(HNM) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân hạn chế mua sắm trực tiếp nên hoạt động mua, bán hàng trực tuyến đã trở thành “cứu cánh” cho cả bên bán và bên mua. Tuy nhiên, giao dịch giữa người giao hàng (shipper) và người mua sẽ mất an toàn nếu không có biện pháp phòng, chống dịch. Trước thực tế này, nhiều đơn vị giao nhận, vận chuyển hàng đã đưa ra quy định phòng dịch bắt buộc cho các shipper. Cùng với đó, người mua khi nhận hàng cũng phải nâng cao ý thức phòng dịch...
Khắc phục sự chủ quan của người nhận hàng
Do 2 con nhỏ phải học trực tuyến ở nhà nên chị Lê Vân Anh, phố Đào Tấn (quận Ba Đình) phải gọi dịch vụ ăn uống qua phần mềm Grabfood để mua đồ ăn trưa cho con. “Các shipper đeo khẩu trang và xịt khuẩn hàng trước khi giao, còn tôi mỗi khi gọi điện cho con ra nhận hàng đều nhắc các cháu phải đeo khẩu trang, hạn chế tối đa nói chuyện”, chị Vân Anh cho hay. Tương tự, chị Trần Thanh Tú, Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) khi nhận hoa quả, bánh kẹo - mua tại fanpage Tôm Fruits trên mạng xã hội Facebook, từ shipper luôn đeo khẩu trang, xịt khuẩn tay. Tiền được chị trả thẳng vào tài khoản của người bán, không trả tiền mặt cho shipper.
Việc phòng, chống dịch cũng được nhiều cơ sở kinh doanh quan tâm. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng quần áo ở phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), chị thường xuyên nhắc nhở các shipper khi giao hàng phải đeo khẩu trang, xịt khuẩn tay... Đồng thời, chị cũng nhắn tin điện thoại hoặc qua mạng xã hội Zalo, Facebook trước với bên nhận hàng về việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc với shipper.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải người nhận hàng nào cũng cẩn thận tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Shipper Nguyễn Quang Thịnh, nhân viên Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Chuyên phục vụ (quận Đống Đa) chia sẻ, anh đã nhiều lần rơi vào tình huống khó xử vì có khách nhận hàng nhưng quên đeo khẩu trang và hay hỏi chuyện. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho bản thân, anh Thịnh vẫn phải đề nghị khách hàng đứng giãn cách và sử dụng lọ xịt khuẩn do công ty trang bị để xịt khuẩn hàng hóa.
Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh Chuyên phục vụ Phạm Tiến Cường thông tin thêm: "Chúng tôi đã phát dung dịch sát khuẩn miễn phí và yêu cầu trước khi giao cho khách, shipper phải phun khử trùng hàng hóa cẩn thận. Đây là quy trình bắt buộc thực hiện. Cùng với đó, shipper cũng được đào tạo kỹ năng trong việc nhắc nhở những khách hàng còn chủ quan, để cùng nhau tuân thủ các quy định phòng, chống dịch".
Siết chặt kỷ luật với nhân viên giao hàng
Là đơn vị giao hàng nhanh, Công ty Cổ phần Delivery Technology (thường được biết đến với thương hiệu Công ty Ship 60) có hơn 100 shipper tại khu vực Hà Nội hằng ngày rong ruổi khắp các ngõ ngách, đường phố để giao hàng cho khách. Theo Trưởng phòng Truyền thông và Marketing Công ty Ship 60 Phùng Võ Hoàng Loan, mỗi ngày đơn vị vận chuyển khoảng 3.000-5.000 đơn hàng trên địa bàn Thủ đô, nên nếu không siết chặt kỷ luật lao động với các nhân viên giao hàng thì nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Vì vậy, các yêu cầu phòng, chống dịch luôn được bộ phận kiểm soát chất lượng dịch vụ của công ty kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, phát hiện lần đầu thì nhắc nhở, nếu tái phạm sẽ cho shipper nghỉ việc. Đặc biệt, hằng ngày các shipper đều phải khai báo y tế, nếu tiếp xúc hoặc đi qua khu vực có dịch, công ty sẽ thông báo ngay cho chính quyền địa phương và cho shipper tạm nghỉ việc để kiểm tra y tế.
Tương tự, với nỗ lực phòng dịch, Công ty TNHH Grab cũng đã đưa ra các cam kết cung cấp miễn phí khẩu trang y tế, dung dịch khử khuẩn cho shipper; đẩy mạnh tính năng giao hàng không tiếp xúc…
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bên cạnh những cơ sở làm tốt, hiện vẫn có tình trạng nhân viên của nhiều cơ sở khi chế biến, đóng gói hàng hóa không đeo găng tay, không đeo khẩu trang… Vì vậy, khách hàng cần lựa chọn những nơi có uy tín, bảo đảm an toàn; đồng thời yêu cầu shipper xịt khuẩn tay, thùng đựng đồ… khi nhận hàng, hạn chế nói chuyện...
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải thông tin, cùng với việc đẩy mạnh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ cũng chỉ đạo các nhà phân phối bảo đảm tốt công tác phòng dịch, nhất là với những người trực tiếp phân phối hàng hóa, đội ngũ shipper... Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố phải phun tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển hàng hóa, bắt buộc người giao hàng tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên bán, giao hàng cũng như bên mua đều phải chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch để chung tay xây dựng một cộng đồng an toàn. Còn về lâu dài, việc bảo đảm an toàn cho khách hàng, cũng như chính các nhân viên là một phương thức hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.