(HNM) - Trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII, cử tri nhiều địa phương có ý kiến đặc biệt lo ngại trước tình trạng tội phạm lứa tuổi vị thành niên đang có dấu hiệu gia tăng với những diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Công an nhiều loại tội phạm nghiêm trọng đã giảm nhưng tính chất phạm tội lại rất nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là tội phạm do người ở lứa tuổi vị thành niên gây ra khá phức tạp. 6 tháng đầu năm 2014, công an đã phát hiện hơn 4.000 vụ, hơn 6.000 đối tượng chưa thành niên phạm tội, chiếm 13,8% số vụ, 13,3% số đối tượng phạm tội về TTXH. Không chỉ gây án nhỏ lẻ, án nhẹ, đã xuất hiện ngày càng nhiều vụ án do thanh, thiếu niên tụ tập thành băng, nhóm sử dụng dao, lê, mã tấu, kiếm đâm chém, giết người, cướp tài sản hoặc giải quyết mâu thuẫn bột phát, nhất thời, có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ, đối tượng phạm tội vị thành niên gây án với thủ đoạn tinh vi.
Đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng là một giải pháp. ảnh: Thái Hiền |
Theo đánh giá của cơ quan công an, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên về mặt khách quan chủ yếu là do tình hình kinh tế nói chung còn khó khăn dẫn đến các vấn đề xã hội phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến trẻ em. Trong khi đó lứa tuổi thanh, thiếu niên rất dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, dễ nảy sinh vi phạm pháp luật. Trong vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền", nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức cho việc quản lý, giáo dục, thậm chí có trường hợp còn dung túng, bao che hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật của con em...
Cùng với đó, vai trò trách nhiệm của cơ quan công an nói riêng, các cơ quan tố tụng nói chung trong việc phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm vị thành niên chưa được đề cao. Mặc dù nhiều giải pháp được triển khai như Dự án "Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên" đã được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; Bộ Công an cũng đã nhiều lần yêu cầu công an các đơn vị, địa phương chú trọng công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn, vi phạm pháp luật đối với trẻ vị thành niên, gắn với các mặt công tác chung trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người... Nhưng rõ ràng, hiệu quả của giải pháp trên tại cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi tội phạm vị thành niên vẫn tăng. Tại hầu hết các địa phương, tội phạm vị thành niên chưa được đặt thành một đối tượng đặc biệt quan tâm trong đấu tranh với tội phạm nói chung. Hằng năm, công an các đơn vị, địa phương mở rất nhiều đợt cao điểm, nhiều đợt công tác đặc biệt đấu tranh với các loại tội phạm, song chưa thấy triển khai các chuyên đề riêng biệt dành cho đối tượng tội phạm vị thành niên hoặc liên quan đến vị thành niên.
Để kiềm chế, tiến tới giảm sự gia tăng của tội phạm vị thành niên thì trước hết, những giải pháp tổng thể đã được đề ra từ lâu cần phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả hơn, đã đến lúc cần có giải pháp chuyên biệt, biện pháp đấu tranh riêng đối với tội phạm vị thành niên. Biện pháp đó phải được cụ thể hóa thông qua hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, với những điều khoản cụ thể hướng tới việc xem xét, xử lý tội phạm vị thành niên như một đối tượng tội phạm "đặc biệt". Sau nữa, về mặt tổ chức, cần có lực lượng điều tra hoặc cán bộ điều tra, kiểm sát chuyên ngành về tội phạm vị thành niên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.