Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thành niên

Chu Dũng| 08/02/2023 06:19

(HNM) - Thời gian gần đây, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, phá nhiều vụ án do các đối tượng vị thành niên gây ra, trong đó có không ít thủ phạm là học sinh cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở. Ngăn ngừa tội phạm lứa tuổi vị thành niên đòi hỏi sự quan tâm đồng thời từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Luật sư Đoàn Luật sư Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh quận Cầu Giấy. Ảnh: Hồ Bách

Gây án từ mâu thuẫn nhỏ nhặt

Mới đây nhất, Công an quận Hà Đông đã làm rõ vụ ẩu đả xảy ra vào đêm 27-1 (mùng 6 Tết Quý Mão), tại khu vực Trạm bơm Giang Chính, phường Giang Biên, do hai nhóm học sinh lớp 8, 9 gây ra.

Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, vụ đánh nhau xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa 2 học sinh lớp 8 ở huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. Do thiếu kỹ năng sống, các học sinh này đã lên mạng xã hội rủ rê và hẹn hơn 10 người đi đánh nhau, làm 1 học sinh chấn thương sọ não. Quá trình điều tra vụ việc, Công an quận Hà Đông thu giữ 1 gậy sắt dài khoảng 1,7m đầu có gắn dao; 2 gậy sắt dài… là hung khí gây án.

Còn theo Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín, cũng từ mâu thuẫn nhỏ mà Mai Văn Hùng (sinh năm 2003; ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đã phạm tội giết người. Theo đó, tối 28-1, Hùng đến quán "Hát cho nhau nghe" ở thôn Một Thượng, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín để uống rượu với bạn. Tại đây, Hùng xảy ra xô xát với một số thanh niên ngồi ăn uống cùng. Hai bên lời qua tiếng lại, Hùng bị X.Đ (sinh năm 2004; ở xã Văn Phú, huyện Thường Tín) đạp vào sau lưng và bị N.A (sinh năm 2006; ở huyện Thanh Oai) đấm vào mặt. Mọi người vào can ngăn thì Hùng lấy dao gấp đâm vào mạn sườn của N.A làm thiếu niên này tử vong tại chỗ.

Những vụ việc đau lòng trên là điển hình của tội phạm lứa tuổi vị thành niên. Ngoài ra, còn nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật khác như đua xe, đánh võng, mang hung khí đi dạo phố hoặc cố tình tấn công người đi đường chỉ vì bị “nhìn đểu”… mà nhiều thủ phạm là học sinh đã được lực lượng công an ngăn chặn thời gian qua.

Nhóm học sinh đánh nhau ở quận Hà Đông ngày 27-1 bị đưa về cơ quan công an. Ảnh: Hiệp Dương

Chủ động ngăn ngừa

Thượng úy Nguyễn Minh Đức, cán bộ Đội Cảnh sát hình sự (Công an quận Hà Đông) thông tin, gần đây có tình trạng các thanh, thiếu niên do thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường đã tụ tập lập nên các hội, nhóm chuyên đi gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, thậm chí phạm tội cướp tài sản. Quá trình điều tra về các nhóm này đều có chung mẫu số là không có tổ chức theo kiểu băng, ổ nhóm mà đa phần hình thành tự phát, rủ rê đi phạm tội. “Với độ tuổi chưa trưởng thành, nhiều đối tượng tỏ ra rất hung hăng, thường xuyên khích bác nhau trên mạng xã hội, hẹn địa điểm để giải quyết mâu thuẫn. Kết cục của những cuộc “nói chuyện” này thường là màn dùng hung khí rượt đuổi đánh nhau, gây náo loạn đường phố…”, Thượng úy Nguyễn Minh Đức nói.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) nhận định, tâm lý lứa tuổi là một trong những yếu tố khiến tội phạm vị thành niên nguy hiểm. Từ những thanh, thiếu niên bình thường, nhưng vì đua đòi theo chúng bạn mà trong khoảnh khắc có thể gây ra những hành vi nguy hiểm cho xã hội như cướp của, giết người và sẵn sàng chống người thi hành công vụ. Do đó, điều quan trọng nhất là sự giáo dục, sẻ chia từ gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương; qua đó, kịp thời nắm bắt tư tưởng, giáo dục thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn từ trong trứng nước.

Theo Tiến sĩ Đào Thanh Hải (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), hành vi của lứa tuổi vị thành niên thường rất manh động, có thể từ việc nhỏ là mâu thuẫn rồi đánh nhau sau đó “nhân tiện” cướp tài sản. Điểm đáng lưu ý, dù không mang tính chuyên nghiệp, song hành vi đặc biệt manh động và nguy hiểm của những đối tượng này thường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người khác.

Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình) khẳng định, để học sinh có hiểu biết pháp luật và vận dụng vào đời sống, những buổi nói chuyện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần được các trường học chú trọng hơn nữa bên cạnh học kiến thức.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, trong số nhiều vụ việc, vì là trẻ vị thành niên, phạm phải các tội không nghiêm trọng nên đa số đều chỉ bị xử lý hành chính. Chế tài xử lý nhẹ, nên tự bản thân nhiều đối tượng học hỏi nhau tỏ ra khinh nhờn pháp luật. Từ việc này dẫn đến một số đối tượng đã tự biến mình thành những tội phạm chuyên nghiệp sau những lần bị xử lý quá nhẹ.

Qua những vụ việc tội phạm vị thành niên có chiều hướng gia tăng, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động đưa ra khuyến cáo việc quản lý con em của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, các nhà trường cần phối hợp với lực lượng công an tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật cho các em học sinh. Đặc biệt, cần giáo dục lứa tuổi vị thành niên giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong đời sống thường ngày, nhất là trên mạng xã hội, trong trường học...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa tội phạm tuổi vị thành niên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.