Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống tội phạm mua bán người: Bao giờ hết bị động?

Thành Tâm| 23/01/2013 06:48

(HNM) - Nhiều năm nay, Hà Nội là địa bàn trung chuyển của các vụ mua bán người, do ở vị trí đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch. Năm 2012, số vụ mua bán người được phát hiện tăng, cho thấy tình hình tội phạm này vẫn rất phức tạp. Trong khi đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý còn không ít khó khăn, bị động.

Nhiều vụ mua bán người trái phép được quần chúng phát hiện báo cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Ngoisao.net


Thủ đoạn hoạt động của tội phạm không quá phức tạp, chủ yếu là tổ chức thành đường dây, dùng lời đường mật dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, tuyển người làm công nhân hoặc "dẫn mối" lấy chồng người Trung Quốc để lừa gạt các "con mồi", đưa ra nước ngoài bán. Không chỉ nhắm vào đối tượng hiểu biết thấp, hiện nay đang gia tăng là hình thức kẻ gian sử dụng internet lừa gạt học sinh, sinh viên, thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức gái gọi qua mạng và tổ chức các chuyến "du lịch tình dục" ra nước ngoài để bán các nạn nhân.

Chính vì vậy, việc tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người là khâu đặc biệt quan trọng để nhóm nguy cơ cao có thể tự nhận biết, phát hiện mà phòng tránh. Tại Hà Nội, công tác này bước đầu đã được tổ chức bài bản, với nhiều hình thức. Đáng chú ý là việc duy trì 15 CLB phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại 15 đơn vị điểm; 18 CLB "Phụ nữ với pháp luật". Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền khác, bao gồm cả tuyên truyền trực quan và tuyên truyền lồng ghép đã được các sở, ngành, đoàn thể tổ chức. Song, theo đánh giá của lãnh đạo CATP Hà Nội, công tác này chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là đối với những địa bàn có nguy cơ xảy ra tội phạm mua bán người.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền phòng chống mua bán người không thể chỉ thực hiện trong địa bàn Hà Nội khi mà năm 2012, CATP Hà Nội phát hiện, điều tra, khám phá 16 vụ với 49 nạn nhân thì 85% là người ngoại tỉnh. Vì vậy, công tác tuyên truyền ở các địa phương ngoài Hà Nội cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, không để khi vụ việc xảy ra mới triển khai tìm kiếm, truy bắt, giải cứu.

Trong đấu tranh, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người rất cần sự phối hợp giữa Hà Nội và các địa phương bạn. Bởi, với vai trò quản lý địa bàn trung chuyển, đối phó với các đối tượng phạm tội lưu động, di chuyển liên tục nên CA Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Các vụ án thường chỉ được phát hiện khi nạn nhân tự giải cứu hoặc được giải cứu trở về tố cáo. Những yếu tố đó khiến công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người có lúc rơi vào bị động.

Thực trạng trên đòi hỏi phải có sự phối hợp của cơ quan chức năng với CATP Hà Nội, CA các địa phương biên giới và CA nước bạn. Chính vì vậy, trong năm 2013, bên cạnh các mặt công tác nghiệp vụ, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm mua bán người TP Hà Nội đặt ra yêu cầu là phải chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, kế hoạch hợp tác đa phương, song phương giữa nước ta và các nước về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người. Trong nội bộ địa bàn, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhất là các địa phương giáp biên giới đất liền với các nước Trung Quốc, Campuchia và Lào để trao đổi kinh nghiệm, nắm tình hình, triển khai các biện pháp phối hợp phòng, chống loại tội phạm này... Có như vậy, công tác phòng, chống tội phạm mua bán người mới chủ động và đạt hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tội phạm mua bán người: Bao giờ hết bị động?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.