(HNM) - Một lần nữa tiếng chuông cảnh báo lại được gióng lên khi cách đây hơn một tuần, nhóm học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đánh nhau khiến một học sinh tử vong.
Xem xét sự việc, liên hệ với những giải pháp đã được thực hiện, có thể thấy công tác giáo dục đạo đức, nếp sống, ý thức tuân thủ luật pháp cho học sinh nhằm hạn chế bạo lực học đường không thể là việc của riêng ngành Giáo dục.
Xây dựng môi trường học đường thân thiện cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Ảnh: Thái Hiền |
Ngày càng rõ tính phức tạp
Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh đánh nhau tại nhiều địa phương khiến dư luận không khỏi bức xúc. Tại Hà Nội, từ đầu năm học 2017-2018 đến nay đã xảy ra một số vụ bạo lực nghiêm trọng, điển hình là việc một nhóm học sinh nữ cấp trung học cơ sở thuộc huyện Chương Mỹ đánh bạn ngay tại lớp; hai nữ sinh trung học cơ sở ở quận Đống Đa vì mâu thuẫn mà đánh nhau... Mới đây nhất, một nhóm học sinh trung học phổ thông của huyện Ứng Hòa đã sử dụng hung khí đánh nhau trên đường đi học quy chế thi trở về, khiến một học sinh tử vong... “Mỗi vụ việc có nguyên nhân khác nhau, song dường như có điểm chung là các con thường sử dụng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Số học sinh nữ tham gia vào các vụ bạo lực ngày càng tăng. Thực tế đó khiến chúng tôi luôn cảm thấy bất an” - ông Lê Anh Tuấn, phụ huynh học sinh Trường THPT Thạch Bàn, quận Long Biên, chia sẻ.
“Nguyên nhân vì sao, trách nhiệm ở ai?” là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở. Có thể thấy, sau mỗi sự việc, dư luận thường dồn trách nhiệm cho nhà trường, nơi các em đang theo học. Nhưng, trong thực tế, ngoài giờ học trên lớp, liệu có vị hiệu trưởng, thầy giáo hay cô giáo nào có thể kiểm soát hành vi của học trò suốt cả ngày? Có hay không tình trạng phụ huynh vì quá mải mê với công việc mà “trăm sự nhờ thầy”? Chế tài xử phạt học sinh vi phạm đã đủ sức răn đe?... Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) xác nhận: “Nguyên nhân của tình trạng bạo lực học đường đến từ nhiều phía, cả từ nhà trường, gia đình và xã hội. Sự phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn lỏng lẻo, chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp, thiếu chế tài đủ sức răn đe, vì vậy, tình trạng học sinh đánh nhau vẫn tái diễn”.
Cần sự chung tay của xã hội
Bạo lực học đường đã trở thành đề tài “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của ngành Giáo dục, song, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nỗi lo âu, bức xúc, trăn trở tạm lắng xuống sau một sự việc cụ thể rồi lại bùng lên khi xuất hiện hành vi bạo lực mới.
Hà Nội, địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1,8 triệu học sinh phân tán trên địa bàn rộng, công tác giáo dục đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh luôn đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực của các thành viên trong và ngoài nhà trường. Với mục tiêu huy động sự chung tay của nhiều lực lượng trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh, ngày 15-1-2018, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành "Kế hoạch thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường". Kế hoạch đề ra nhiều giải pháp, trọng tâm là "lấy xây để chống" bằng cách tăng cường đầu tư nhằm tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện để phòng ngừa tình trạng bạo lực học đường.
Để thực hiện giải pháp "lấy xây để chống", điều quan trọng, được nêu trong kế hoạch, là triển khai công tác tư vấn học đường. Đây không phải nội dung mới đối với các nhà trường, song, với kế hoạch này, vai trò của công tác tư vấn học đường được nâng lên tầm mức mới, là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành Giáo dục và mỗi nhà trường, đòi hỏi sự chung tay của các ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các tổ chức, đoàn thể...
Là lãnh đạo của một trong số 20 đơn vị đã bước đầu xây dựng thí điểm phòng tư vấn tâm lý học đường khi tham gia dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2015, bà Phạm Thị Anh Đào, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ) cho biết: Khi mới thành lập, hầu hết học sinh đều ngại ngần, không muốn chia sẻ, nhưng nhờ thái độ lắng nghe, thân thiện của thầy, cô giáo, các em đã mở lòng hơn, sẵn sàng chia sẻ những vướng mắc và cả nỗi bế tắc trong các mối quan hệ với bạn, thầy cô và bố mẹ. Qua chia sẻ, các thầy, cô giáo và phụ huynh đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết ngay từ trứng nước nhiều sự việc phức tạp.
Quan điểm "lấy xây để chống" với sự vào cuộc của toàn xã hội và hoàn thiện mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh, đó có thể là chiếc “van” xả áp lực cho học sinh, giúp các em có thêm kiến thức, kỹ năng giải quyết tình huống nảy sinh trong cuộc sống, biết ứng xử văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật, qua đó hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của "Kế hoạch thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường". Trong đó, gia đình phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh; thực hiện cam kết với nhà trường về việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục và tạo môi trường tốt nhất góp phần hướng dẫn, quản lý con em học tập, rèn luyện. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.