Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, chống bạo lực gia đình: Cả xã hội phải cùng vào cuộc

Thanh Thủy| 04/06/2017 07:43

(HNM) - Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 20 nghìn vụ bạo lực gia đình; cứ 2 - 3 ngày lại có một người tử vong liên quan tới bạo lực gia đình; 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…

Một buổi sinh hoạt, tuyên truyền tới các hội viên phụ nữ về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh: Kim Ly


Những con số nhức nhối

Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra 127 nghìn vụ bạo lực gia đình và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bạo lực gia đình có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi với 58% phụ nữ trên cả nước đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cho thấy, có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.

Song, đây cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Có những vết thương do bạo lực gia đình gây ra không thể thấy bằng mắt, vẫn tồn tại hằng ngày. Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) Lê Phương Thúy cho biết: 100% số vụ bạo lực gia đình có yếu tố bạo lực tinh thần. Rất nhiều người đã bị chấn thương tâm lý do những lời nói, hành vi hạ nhục, trong đó tình trạng sử dụng con cái áp chế tinh thần diễn ra khá phổ biến.

Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần của người xung quanh, là nguyên nhân gây tan vỡ gia đình cũng như rối loạn trật tự xã hội. Nhức nhối là vậy, song vì nhiều lý do, bạo lực gia đình vẫn chưa được đẩy lùi. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định: Bạo lực gia đình tồn tại dai dẳng là do bình đẳng giới chưa được thực hiện triệt để, trong đó tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề.

Một nguyên nhân khác khiến bạo lực gia đình còn “đất sống” là do hệ thống luật pháp cũng như các chính sách, chương trình, chiến lược hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản quy định; sự phối hợp lỏng lẻo, thiếu ổn định, chậm trễ của các ban, ngành, địa phương…

Còn theo Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Ngọc Tiến, bạo lực gia đình vẫn diễn biến phức tạp dù trình độ dân trí ngày một cao là bởi người dân chưa tiếp cận được nhiều với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Muốn tạo thay đổi, điều cần nhất là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức.

Xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình

Thông tư 02/2010/TT-BVHTT DL của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành lập các cơ sở tham vấn, hỗ trợ nạn nhân quy định rất rõ, người làm công tác tham vấn được cấp chứng chỉ hành nghề, song đến giờ vấn đề này vẫn gặp vướng mắc vì chưa có hướng dẫn cụ thể, trong khi chuyên viên tham vấn thường xuyên bị địa phương từ chối do thiếu cơ sở pháp lý. Cũng ít địa phương thực hiện được quy định hỗ trợ 200 nghìn đồng chi phí bông băng/năm; 40 - 50 nghìn đồng chi phí ăn, uống/ngày cho nạn nhân tới xin hỗ trợ tại “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng do không có kinh phí.

Do vậy, hoạt động của hơn 35 nghìn “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của người nhận trách nhiệm này. Trong khi đó, “địa chỉ tin cậy” cũng chỉ là những người dân ở địa phương nên cũng có nguy cơ bị hành hung, lăng mạ khi che chở nạn nhân. Ngoài ra, Thông tư 16/2009/TT-BYT của Bộ Y tế về tiếp nhận, chăm sóc y tế cũng không hỗ trợ nạn nhân khi quy định: Chi phí cho việc khám và điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Trong trường hợp nạn nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí do nạn nhân tự chi trả.

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt kết quả như mong muốn, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các chính sách, chương trình hành động phải lan tỏa tới từng thôn, xóm. Ngành Văn hóa cần coi trọng công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, nâng cao nhận thức cho mọi người để họ chủ động, có trách nhiệm hơn trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý nghiêm người vi phạm.

Điều quan trọng không kém là sự vào cuộc có trách nhiệm từ nhiều phía để kịp thời ngăn chặn mầm mống bạo lực; bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho nạn nhân khi bạo lực gia đình xảy ra. Bà Lê Phương Thúy cho rằng, khi có một vụ bạo lực gia đình xảy ra, cần có sự tham gia tích cực của các lực lượng để giải quyết tận gốc vấn đề, chứ không chỉ giải quyết bằng hòa giải.

Còn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, người phụ nữ cần bổ sung kỹ năng tự bảo vệ, kiến thức pháp luật cũng như hiểu biết về quyền của mình để không nhẫn nhịn chịu đựng... Được biết, trước thực trạng bạo lực gia đình đang diễn biến phức tạp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, lối sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống bạo lực gia đình: Cả xã hội phải cùng vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.