Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phối hợp thẩm định, phản biện từ khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Hà Phong| 17/08/2013 06:33

(HNM) - Khoảng 3.900 văn bản chưa bảo đảm tính hợp pháp là con số ngành tư pháp phát hiện từ đầu năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, thống kê này chưa phản ánh hết tình hình thực tế.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã chấn chỉnh các đơn vị xây dựng pháp luật chậm, làm nửa vời. Đồng thời, Cục yêu cầu các đơn vị đặc biệt chú trọng đến tính khả thi, hợp lý của dự thảo luật, nghị định.

Dự thảo Thông tư quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy được cho là không khả thi. Ảnh: Dương Thủy



Vụ việc gây ồn ào dư luận gần đây nhất đã được liên bộ: Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông - Vận tải rút kinh nghiệm sau khi ký Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Văn bản này chưa đến thời điểm ban hành, nội dung đã "rò rỉ" và bị dư luận xã hội phê phán, Cục Kiểm tra VBQPPL không ủng hộ, yêu cầu thu hồi. Nguyên nhân xuất phát từ quy định: "Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, xe đạp máy đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông nhưng phải là loại sản phẩm đáp ứng 10 tiêu chí như: Có tác dụng giảm chấn thương vùng đầu; kiểu dáng đã được chứng nhận hợp quy và ghi nhãn hàng hóa theo quy định… Nếu không thực hiện sẽ bị phạt vi phạm hành chính" thiếu tính thực tiễn. Điều đó được thể hiện ở chỗ, công tác quản lý nhà nước từ khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bán mũ bảo hiểm không chặt chẽ, mũ giả tràn lan, không chỉ người dân mà cả CSGT khó phát hiện và xử phạt.

Việc điều chỉnh của liên bộ ngay sau khi có ý kiến của Cục Kiểm tra VBQPPL rất kịp thời. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Không nhiều bộ, ngành sớm sửa sai, triệt để như trên mà thường "nợ" hướng giải quyết hoặc vòng vo, chậm hợp tác vì lý do - đơn vị "tuýt còi" chỉ là cấp cục. Mặt khác, vì số lượng văn bản phải thẩm định nhiều (26 văn bản/tháng) nên đơn vị có chức năng "tuýt còi" vẫn để lọt những văn bản quy định pháp luật có sai sót, không khả thi. Chỉ khi báo chí, dư luận phản ánh, đơn vị mới nhập cuộc như: Quy định xử phạt người sử dụng điện thoại di động tại cây xăng (Nghị định số 52/2012/NĐ-CP); quy định về không để ô có miếng kính trên nắp áo quan, không rải vàng mã trên đường đi đưa tang, không mang theo vòng hoa khi viếng trong tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức (Nghị định số 105/ 2012/ NĐ-CP)…

Ở cấp địa phương, việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng thiếu bài bản. Ngay tại Hà Nội, đại diện phòng Tư pháp huyện Thanh Trì cho hay, việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo VBQPPL trong nhiều trường hợp còn hình thức. Thay vì tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực điều chỉnh của luật và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của VBQPPL thì cơ quan có trách nhiệm thu thập thông tin lại thực hiện qua đường hành chính, gửi công văn xin ý kiến, bởi vậy chưa thu được góp ý nhận xét thiết thực từ cơ sở.

Để khắc phục bất cập trên, Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng Đề án thí điểm cơ chế kiểm soát hoạt động xây dựng và ban hành thông tư, thông tư liên tịch trong những lĩnh vực trực tiếp liên quan đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo đề xuất cơ chế nâng cao trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc lấy ý kiến, xây dựng, ban hành văn bản. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ dự thảo, Bộ Tư pháp có trách nhiệm thành lập Hội đồng tư vấn, mời chuyên gia góp ý, trả lời cơ quan chủ trì soạn thảo…

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án Cải cách cơ chế phối hợp xây dựng, thẩm định, phản biện văn bản giữa các bộ, ngành. Theo đó, từ thời điểm Đề án có hiệu lực thi hành (6-8-2013), không phải đợi đến khi các bộ, ngành làm xong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật… phía cơ quan điều phối mới có ý kiến, đánh giá tác động mà phải kết hợp ngay từ đầu. Chẳng hạn như, khi thành lập một tổ ban hành chính sách về tiền tệ thì không riêng Ngân hàng Nhà nước chủ trì, mà các bộ: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, thậm chí cả Văn phòng Chính phủ cũng cần cử đại diện làm thành viên tổ soạn thảo. Luật sư Nguyễn Hồng Vinh - Đoàn Luật sư Hà Nội nhận xét, sự đổi mới này sẽ là cơ sở khắc phục triệt để tình trạng các văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến đời sống dân sinh như chứng khoán, bất động sản, đầu tư, thương mại, giá cả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp thẩm định, phản biện từ khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.