Chiều 24-10, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 19) và kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (kỳ họp thứ 20) của HĐND thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
Dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên…
Tại hội nghị, các cơ quan thống nhất kỳ họp chuyên đề sẽ diễn ra vào tháng 11 (dự kiến tổ chức trong 1 ngày từ ngày 14 đến 19-11-2024); kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 dự kiến tổ chức trong tuần từ ngày 9 đến ngày 13-12-2024.
Ở kỳ họp chuyên đề, UBND thành phố đề xuất 14 nội dung xây dựng Nghị quyết (13 Nghị quyết quy phạm pháp luật theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô) và 1 Nghị quyết cá biệt.
Các ban HĐND thành phố cũng đề xuất Thường trực HĐND thành phố trình HĐND thành phố 1 nội dung xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các Ban HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố rà soát, bổ sung trình HĐND thành phố tại kỳ họp chuyên đề 1 nội dung về các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước (theo Kế hoạch triển khai, thi hành Luật Thủ đô).
Ở kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, UBND thành phố đề xuất 44 nội dung, trong đó: 12 báo cáo, 19 Nghị quyết quy phạm pháp luật và 13 Nghị quyết cá biệt.
Các ban HĐND thành phố đề xuất UBND thành phố bổ sung báo cáo 7 nội dung và các báo cáo thường lệ của Thường trực HĐND thành phố, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố theo quy định.
Các Ban HĐND thành phố cũng đề xuất Thường trực HĐND thành phố trình HĐND thành phố 1 nội dung xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật; đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, rà soát, bổ sung trình HĐND thành phố tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 đối với 8 nội dung (theo kế hoạch triển khai, thi hành Luật Thủ đô và Kế hoạch xây dựng nghị quyết năm 2024 của HĐND thành phố).
Cụ thể, quy định chi tiết trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các công trình ở bãi sông, bãi nổi (Khoản 7 Điều 18 Luật Thủ đô); quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố (khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô); Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ trợ cấp đối với người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng nhằm nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án; Nghị quyết quy định giá dịch vụ đào tạo các nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn thành phố; Nghị quyết quy định trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng khác của thành phố Hà Nội.
Đối với nghị quyết cá biệt, các ban HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố rà soát, bổ sung 1 nội dung theo kế hoạch triển khai, thi hành Luật Thủ đô về Danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong một số lĩnh vực của thành phố Hà Nội.
Đối với các nội dung đề xuất khác, Thường trực HĐND thành phố thống nhất đề xuất của UBND thành phố tại văn bản số 3461/UBND-TH ngày 18-10-2024 của UBND thành phố.
Cụ thể, lùi thời gian trình sang năm 2025 đối với 4 nội dung: Nghị quyết quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nghị quyết quy định về hỗ trợ, ưu đãi khi cải tạo, trùng tu, bảo tồn các công trình có giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử đối với nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; hỗ trợ, ưu đãi khi cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở cũ tại các khu phố cổ, phố cũ; hỗ trợ, ưu đãi việc kiểm định chất lượng công trình nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị và nhà ở cũ tại các khu phố cổ, phố cũ; Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố; Nghị quyết quy định chi tiết thẩm quyền thành lập, trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của thành phố.
Đưa ra khỏi kế hoạch ban hành nghị quyết của HĐND thành phố năm 2024 đối với 1 Nghị quyết về thông qua Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, với tinh thần song hành, chuẩn bị từ sớm, từ xa, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ chọn nội dung phản biện xã hội, trong đó cần ưu tiên các nội dung để triển khai Luật Thủ đô và liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đánh giá cao sự phối hợp giữa 3 cơ quan, đặc biệt Thường trực HĐND và các ban HĐND thành phố đã tạo điều kiện để các sở, ngành thành phố xây dựng, hoàn thiện các nội dung trình kỳ họp.
Đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị lãnh đạo các sở, ngành rà soát kỹ các nội dung, quy trình ban hành nghị quyết lĩnh vực mình phụ trách, để đề xuất chính sách với mục tiêu khi ban hành chính sách theo hướng rút gọn, cái gì có lợi cho dân thì làm và khi thống nhất nội dung thì phải thực hiện theo kế hoạch.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, hội nghị là hiệu quả của việc thực hiện quy chế phối hợp giữa 3 cơ quan trong chuẩn bị các nội dung của kỳ họp HĐND thành phố. Ngay sau hội nghị, đề nghị Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành rà soát lại các nội dung về cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực, ngành mình. Những nội dung nào cấp bách, bắt buộc thì cần phải đưa vào chương trình kỳ họp để xem xét, thông qua, nhất là những nội dung liên quan đến triển khai thi hành Luật Thủ đô.
“Quá trình chuẩn bị, các sở, ngành và các Ban HĐND phải phối hợp chặt chẽ trên tinh thần tạo điều kiện về thời gian, nhưng phải đảm bảo chất lượng nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.