(HNMO) - Trong hai ngày 9 và 10-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra tiến độ các dự án điện và than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, kiểm tra công tác vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
(HNMO) - Trong hai ngày 9 và 10-2, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra tiến độ các dự án điện và than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, kiểm tra công tác vận hành đảm bảo an toàn cung cấp điện nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Tại Trạm biến áp (TBA) 500kV Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) đã có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành điện trong bảo đảm an toàn trong vận hành một cách tối ưu và đảm bảo cung cấp điện phát triển kinh tế-xã hội. Để đuổi kịp các nước châu Á vào năm 2020, NPT phải xây dựng các tiêu chí trong lĩnh vực truyền tải, theo đó, đánh giá quy hoạch lưới điện, thiết kế các TBA cho phù hợp…
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tặng quà Tết cho các gia đình thợ mỏ, gia đình chính sách của ngành than. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Về công tác chuẩn bị Tết, Phó Thủ tướng yêu cầu NPT tăng cường trực vận hành, đảm bảo nguồn điện luôn được đảm bảo cho nhân dân cả nước đón Tết Ất Mùi.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng thành viên NPT cho biết, ngay từ đầu tháng 1, các đơn vị trong Tổng công ty đã củng cố lưới điện, tăng cường cán bộ trực vận hành trong dịp Tết. NPT cũng đang đầu tư dự án mở rộng ngăn lộ 500kV tại TBA 500kV Quảng Ninh và Hiệp Hòa để đưa đường dây 500kV mạch 2 Quảng Ninh-Hiệp Hòa vào vận hành (kế hoạch đóng điện tháng 9-2015). Cuối năm 2015, tuyến đường dây 220kV từ nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả sẽ hoàn thành để cấp điện cho khu công nghiệp Hải Hà, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến làm việc tại mỏ than Khe Tam thuộc Công ty TNHH Một thành viên 86 (Tổng công ty Đông Bắc). Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia có nhiều than với trữ lượng khoảng 47 tỷ tấn nhưng mới đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện 7 tỷ tấn. Để bảo đảm đủ than cho ngành kinh tế quốc dân vào năm 2020 thì đến năm 2017 đã bắt đầu phải nhập khẩu 3 triệu tấn than và năm 2020 là 74 triệu tấn than. Hiện nay, tỷ lệ khai thác than hầm lò ngày càng tăng so với tỷ lệ khai thác lộ thiên. Quan điểm của Chính phủ là tạo điều kiện để ngành than đảm bảo nguồn than, nhất là nguồn than trong nước. Đây là nguồn chắc chắn và chủ động nhất, đồng thời phải nhập khẩu than. Ngành than có hai đơn vị là Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc là đầu mối tập trung lo nguồn năng lượng cho đất nước.
Ngoài việc tiếp tục duy trì kỷ luật sắt trong sản xuất than, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đông Bắc kiểm soát tốt than thổ phỉ, áp dụng công nghệ mới trong khai thác xuống sâu, quan tâm cải thiện đời sống CBCNV để duy trì lực lượng lao động có tay nghề.
Công ty TNHH Một thành viên 86 cho biết, công ty đang thực hiện dự án nâng công suất mỏ than Khe Tam với vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, công suất 600.000-650.000 tấn/năm. Dự kiến đến giữa năm nay dự án sẽ hoàn thành.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra tiến độ Dự án Nhà máy điện BOT Mông Dương 2. Dự án do Công ty TNHH Điện lực AES-TKV Mông Dương làm chủ đầu tư, được thành lập bởi các công ty thành viên của Tập đoàn AES (Mỹ), Tập đoàn Posco Energy (Hàn Quốc) và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (Trung Quốc) theo cơ cấu tương ứng 51%, 30% và 19%. Hiện đang có 2.500 lao động đang làm việc tại dự án này; trong đó có 200 công nhân đang vận hành. Dự án có công suất 1.120MW với 2 tổ máy, vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Đây là dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT). Nhà máy sẽ được chuyển giao cho Việt Nam sau 25 năm vận hành. Hiện tổ máy 2 đã hòa đồng bộ từ 13-1-2015, trước kế hoạch 2 tuần và đang chạy đầy tải. Tổ máy 1 sẽ hòa lưới điện quốc gia trong tháng 2 này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là dự án nhiệt điện BOT đầu tiên của Việt Nam. Việc AES tiếp tục tham gia đầu tư dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 3 đã chứng tỏ tính hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.
Báo cáo Phó Thủ tướng và Đoàn công tác về dự án Nhiệt điện Mông Dương 1, ông Lê Đức Chấn, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương cho biết, để đảm bảo tiến độ, nên trong những ngày giáp Tết Nguyên đán trên công trường vẫn có hơn 3000 công nhân đang làm việc. Hiện khối lượng toàn dự án đã đạt trên 94,8%. Theo kế hoạch, tổ máy 1 sẽ chạy tin cậy trong nửa đầu tháng 4 tới và tổ máy 2 hòa đồng bộ giữa tháng 10-2015.
Đánh giá về tiến độ dự án này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng đây là một trong những dự án khắc phục được đầu tư xây dựng chậm. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng về nguồn cung điện thì những công trình đảm bảo tiến độ như dự án này được đánh giá rất cao.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình cung cấp than cho hai nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 và 2 của Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả (TKV), tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Tuyển than Cửa Ông (TKV), Khu nhà ở công nhân Tổng công ty Đông Bắc; thăm hỏi chúc Tết và tặng quà CBCNV ngành than và ngành điện.
Ngày 10-2, tiếp tục chương trình kiểm tra tiến độ các dự án điện và than tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Đoàn công tác của Chỉnh phủ đã đến làm việc tại Công ty CP Than Hà Lầm, đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng).
Ông Ngô Thế Phiệt, Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm cho biết, dự án khai thác -300 dự kiến sẽ đi vào sản xuất trong quý 2 năm nay với công suất ban đầu 650.000 tấn than, thời gian khai thác trên 45 năm. Theo kế hoạch đến năm 2017 sẽ đạt công suất thiết kế là 2,4 triệu tấn/năm. Hiện tiến độ dự án đang trong tầm kiểm soát. Hiện trữ lượng của Hà Lầm là 120 triệu tấn, còn 60 triệu tấn nữa (đã thăm dò) nằm ngoài quy hoạch nhưng ở trong khu vực dân cư và đường quốc lộ. Vỉa than ở đây rất dày, đáy tầng than đến -650, dễ gây sụt lún. Nếu khai thác 60 triệu tấn này phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh Quảng Ninh, vừa khai thác được tài nguyên. Năm 2015, Công ty có kế hoạch khai thác 215.000 tấn, thu nhập bình quân người lao động đạt 9,8 triệu đồng/người/tháng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Quảng Ninh tính toán để phát triển hài hòa giữa kinh tế và du lịch. Theo đó, thực hiện quy hoạch các công trình hạ tầng ngầm để khai thác than, mà không ảnh hưởng đến dân cư sinh sống. Ngành than cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, tiếp tục đầu tư thăm dò để gia tăng trữ lượng; bảo đảm nguồn than cho đất nước bằng tối ưu hóa sử dụng nguồn than trong nước và nguồn than nhập khẩu.
Phó Thủ tướng và Đoàn công tác đã trực tiếp xuống kiểm tra tình hình triển khai dự án khai thác than ở độ sâu -300m của Công ty CP Than Hầm Lò; tặng quà hai gia đình chính sách và có hoàn cảnh khó khăn của TKV.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.