Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát hiện trạng và các dự án chỉnh trị, giải pháp làm “hồi sinh” các đoạn tuyến sông phía Nam và Tây Hà Nội từ lâu đang báo động, khó khăn về nguồn nước cũng như mức độ ô nhiễm.
Chuyến thị sát sẽ là căn cứ thực tế để chỉ đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP. Hà Nội triển khai các nhiệm vụ cần thiết, đảm bảo nguồn nước mặt quan trọng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái vùng ven sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ cũng như hệ thống thủy lợi vùng.
Phó Thủ tướng xem xét sơ đồ tổng thể các công trình đầu mối. Ảnh: VGP/Nguyên Linh |
Phía Nam, Tây Hà Nội có 3 tuyến sông, gồm sông Đáy, sông Tích- sông Bùi, sông Nhuệ phục vụ tưới tiêu, phòng chống lụt bão, đời sống dân sinh trên 4,3 triệu người thuộc 20 quận, huyện, thị xã và hỗ trợ tiêu cho các quận trung tâm Thành phố.
Do nguồn nước trên sông Hồng nhiều năm gần đây về mùa kiệt rất thấp nên việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy về mùa kiệt khó khăn. Chuyến thị sát dọc sông và các công trình thủy lợi đầu mối cho thấy nhiều đoạn tuyến dòng sông gần như trơ đáy, nguồn sinh thủy rất thấp.
Giải pháp được Hà Nội đề xuất là xây dựng một hệ thống tiếp nước từ sông Tích sang sông Đáy. Ưu điểm của giải pháp này là nước sông Tích lấy từ sông Đà vào đảm bảo về mực nước và lưu lượng, chất lượng nước tốt, việc tiếp nước từ sông Tích sang sông Đáy với lưu lượng 20m3/s không ảnh hưởng nhiều đến nhiệm vụ của sông Tích. Mặt khác, hệ thống công trình phục vụ tiếp nước cơ bản là sẵn có chỉ cần cải tạo, nâng cấp và bổ sung xây mới một đập dâng trên sông Tích, nên chi phí đầu tư thấp.
Theo Bộ NN &PTNT, tiến độ thực hiện các hạng mục theo quy hoạch giai đoạn 2015-2020 cho nhiệm vụ này sẽ bao gồm một khối lượng công việc lớn, từ xác định phạm vi, cắm mốc; sửa chữa nâng cấp các hạng mục công trình đầu mối; nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy; củng cố, nâng cấp đê Đáy, Bùi…. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn nên chỉ có dự án nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy (lòng dẫn cấp 1) đang triển khai.
Các cơ quan chuyên môn cũng đang tiến hành nghiên cứu giải pháp công trình ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng hạ du sông Hồng.
Các dự án trên trục chính sông Nhuệ cũng được đề xuất theo hướng nâng cấp trục chính hệ thống thủy lợi trên tuyến, từ Liên Mạc đến Hà Đông, từ Hà Đông đến đường vành đai 4 và từ vành đai 4 đến hết hệ thống. Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ triển khai một số dự án Ttrạm bơm tiêu, xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc,… Tổng kinh phí dự kiến lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong chuyến thị sát, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có các đánh giá, chỉ đạo đối với các dự án, giải pháp quan trọng trong bài toán cân bằng nước đối với Hà Nội như nói trên. Chính phủ sẽ sớm có các yêu cầu cụ thể đối với vấn đề này, và tinh thần chính là đôn đốc sớm có nghiên cứu tổng thể, giải pháp hiệu quả và nhất là kết quả triển khai cụ thể các giải pháp chỉnh trị các con sông trên địa bàn thủ đô, đảm bảo cân bằng nước trên toàn hệ thống, có tính toán tới việc cân đối vốn, sử dụng các nguồn vốn ngoài ngân sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.