Công nghiệp văn hóa

Phố đi bộ - định hình giá trị mới cho Thủ đô: Gia tăng sức hấp dẫn cho đô thị

Hoàng Lan 06/08/2023 06:58

Sau 7 năm đi vào hoạt động, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận dần trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian sáng tạo với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của Việt Nam cũng như quốc tế.

pho-di-bo-ho-gu-o-m-5779-15.jpg
Phố đi bộ đã trở thành không gian văn hóa, không gian sáng tạo mới của Thủ đô, góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho đô thị. Ảnh: Ngọc Thành

Tiếp nối thành công đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây, phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận... cũng đang trở thành không gian văn hóa, không gian sáng tạo mới của Thủ đô, góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho đô thị.

Hội tụ văn hóa, định hình bản sắc đô thị

Năm 2016, khi không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận lần đầu được đưa vào thí điểm với mục tiêu biến nơi đây thành không gian đi bộ và thưởng thức văn hóa nghệ thuật, một không gian văn hóa sáng tạo đã manh nha hình thành.

Kể từ đó đến nay, đã thành lệ, từ 18h thứ sáu đến 23h chủ nhật hằng tuần, người dân Hà Nội và du khách sẽ được thả bộ thong dong trên các con phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Ngang, Hàng Đào, khu vực trước cổng chợ Đồng Xuân... Trong không gian đó, du khách có thể ghé chân đến những địa điểm văn hóa để nghe các chương trình xẩm đường phố, quan họ, ca trù... Khách từ bốn phương có thể kết tình bằng hữu, cùng giao lưu trong khúc nhạc guitar mộc mạc của các nhóm nhạc cộng đồng hoặc cùng nhảy dây, chơi ô ăn quan...

Nhiều năm qua, bất cứ ai tới không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đều có thể tham gia, trở thành thành viên trong không gian ấy. Chỉ cần có nhu cầu và đăng ký với cơ quan quản lý là có thể thực hiện những chương trình biểu diễn bên hồ Gươm. Đây là lý do khiến nhiều nhóm nhạc jazz, nhóm nhạc dân tộc... từ chuyên nghiệp đến không chuyên chọn hồ Hoàn Kiếm làm không gian biểu diễn, góp phần nuôi dưỡng khả năng sáng tạo văn hóa, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật.

Tiếp nối thành công của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, giữa năm 2018, thành phố Hà Nội tiếp tục mở tuyến phố đi bộ thứ hai - phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), hoạt động vào các tối cuối tuần. Sau 2 năm vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 7-5-2022, phố đi bộ Trịnh Công Sơn hoạt động trở lại và được UBND quận Tây Hồ đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất để thu hút người dân đến tham quan.

Ở khu vực này dần hình thành con đường nghệ thuật nằm giữa hai hồ nước trên phố Trịnh Công Sơn với bức tranh 3D, cổng chào hình trái tim và các bức tường được gắn hoa với tranh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; con đường nghệ thuật với hàng nghìn chiếc ô lụa rực rỡ sắc màu... Vào mỗi tối cuối tuần, trên sân khấu chính và các địa điểm biểu diễn xung quanh tuyến phố đi bộ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, như ca trù, chầu văn, hát văn, hòa tấu nhạc trẻ, nhạc dân tộc, nhạc Trịnh...

huy-8973-1651806462-3988-16.jpg
Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Giang Huy

Dịp 30-4, 1-5 năm 2022, không gian phố đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây cũng đã chính thức mở cửa với các chương trình văn hóa nghệ thuật như Đêm hội Trung thu Thành cổ, Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Lễ hội khinh khí cầu, các hoạt động triển lãm nhiếp ảnh, nghệ thuật, cổ vật... Ngày 23-12 cùng năm, phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đã khai trương và trở thành nơi tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc đường phố, trò chơi dân gian... Và gần đây nhất, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận cũng đã đi vào hoạt động, trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với quy mô khác nhau...

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, không gian công cộng đang ngày càng trở thành một phần quan trọng của Hà Nội. Chúng ta cần khơi dậy các ý tưởng sáng tạo để khai thác hiệu quả các không gian này, đưa nơi đây thành điểm hội tụ văn hóa và định hình bản sắc đô thị.

Chưa rõ dấu ấn riêng

Chị Nguyễn Thu Hà (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Vào dịp cuối tuần tôi thường đưa các con tới phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm dạo chơi bởi nơi đây có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngoài trời thú vị. Tuy nhiên, nếu cứ cuối tuần nào cũng đến đây xem những chương trình nhiều khi bị lặp lại thì dễ nhàm chán”. Có lẽ do tính chất, cách thức tổ chức các chương trình, hoạt động tại không gian này đang có xu hướng ổn định đến mức quen thuộc nên các vị trí tổ chức hoạt động văn nghệ gần như cố định, nội dung trình diễn chủ yếu vẫn là chương trình âm nhạc “đến hẹn lại lên”.

Nhìn sang phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, nơi đây được kỳ vọng sẽ phát huy lợi thế của di tích, tạo không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, sau những khởi động ban đầu, thấy rõ vấn đề tại không gian đi bộ này là chưa hình thành rõ chương trình hoạt động mang bản sắc riêng. Đâu đó, du khách vẫn chỉ nhìn thấy một chút bóng dáng của mô hình phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, một góc của phố đi bộ Trịnh Công Sơn...

Không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước, nhưng hiện tại, có cảm giác không gian này đang thiếu vắng hoạt động văn hóa nghệ thuật, khách đến tham quan cũng ít hơn. Trong khi đó, những điểm ăn uống, vui chơi tự phát tại không gian ven hồ Tây lúc nào cũng ken đặc người dân và du khách.

Nghệ sĩ, giảng viên Nguyễn Thế Sơn (khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, từ thực tế của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, dễ thấy không phải tuyến phố đi bộ nào cũng trở thành không gian sáng tạo như kỳ vọng. Điều này xuất phát từ sự thiếu vắng những nghiên cứu bài bản và khoa học về mô hình và cách thức tổ chức hoạt động. Đặc biệt, khi mở cửa bất cứ một tuyến phố đi bộ nào, chúng ta cần định vị giá trị và các hoạt động đặc trưng trên tuyến phố đó để tạo ra sự khác biệt, qua đó thu hút người dân và du khách.

tcs4-1668238024389467338245.jpg
Biểu diễn nhạc trẻ tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Hồng Hà

Để không chỉ là trào lưu

Cùng với việc định hình thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội ngày càng chú trọng hơn tới việc đầu tư cải thiện, bổ sung, nâng cấp các không gian công cộng, đưa những địa chỉ này trở thành nơi hội tụ văn hóa sáng tạo, góp phần tăng sức hút cho đô thị. Chính vì thế, trong việc thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố Hà Nội xác định có hơn 117 cơ sở sản xuất công nghiệp cần di dời khỏi nội đô, dành quỹ đất để tái thiết và kiến tạo những giá trị mới, trong đó có thiết kế không gian sáng tạo phục vụ lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, để các phố đi bộ trở thành không gian sáng tạo độc đáo, các cơ quan chức năng của thành phố cần tính toán kỹ lưỡng ngay từ khâu thiết kế, bố trí nguồn ngân sách để tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nghệ thuật... Ông Nguyễn Thế Sơn cho rằng, điều cần nhất là tạo ra nét riêng cho từng khu phố đi bộ. Chẳng hạn như với không gian đi bộ khu vực Thành cổ Sơn Tây, nơi sở hữu nhiều giá trị văn hóa bản địa độc đáo nhưng vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Khi chưa tìm ra nét đặc trưng và tập trung khai thác thế mạnh đó thì rất khó chinh phục du khách cũng như người dân. Khi đó, các không gian đi bộ chỉ là nơi đi dạo, nơi diễn ra các hoạt động kinh doanh thuần túy...

Sau khi hàng loạt tuyến phố đi bộ được đưa vào hoạt động, có thể thấy được cả thất bại và thành công. Tuy vậy, nhìn vào dòng người tham gia vào không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào mỗi dịp cuối tuần, dễ thấy rằng, thói quen đến các không gian sáng tạo công cộng đang được hình thành, đó là những minh chứng thuyết phục cho sự thay đổi diệu kỳ đến từ văn hóa sáng tạo. Phát triển không gian sáng tạo không chỉ mở hướng phát triển đô thị gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tạo ra những giá trị mới cho Thủ đô. Làm tốt điều đó sẽ giúp những ai đến Hà Nội đều thấy rằng, họ không chỉ được tận hưởng bầu không khí thân thiện, vẻ đẹp cảnh quan, mà còn được thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật đậm chất riêng từ thành phố này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phố đi bộ - định hình giá trị mới cho Thủ đô: Gia tăng sức hấp dẫn cho đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.