Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim trường - điểm hẹn du lịch mới ở châu Á

Theo AFP, SGTs, VTV| 22/10/2010 14:01

Các công viên văn hóa giải trí lớn mô phỏng theo mô hình các trường quay của Hollywood đang phát triển nở rộ ở châu Á.


Tháng 3/2010, công viên văn hóa mô phỏng theo mô hình của trường quay Universal chính thức mở cửa tại Singapore. Với diện tích khoảng 20 hecta bao gồm các khu vui chơi hiện đại, đa dạng giống hệt với mô hình trường quay Universal, rất nhiều người đã hoài nghi về việc Universal Studios Singapore có thu hút đủ lượng khách để đảm bảo vấn đề kinh doanh trong vòng 2 năm đầu hay không.


Tuy nhiên sau 6 tháng, Universal Studios Singapore đã thu hút hơn một triệu lượt khách du lịch, đến từ Singapore và rất nhiều các nước khác như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Việt Nam… và nhanh chóng trở thành điểm đến mới trong các tour du lịch tại châu Á.

“Các điểm đến mới của ngành công nghiệp không khói đang chuyển dần tới châu Á”, ông Christian Aaen, giám đốc khu vực châu Á của hãng nghiên cứu chuyên nghiên cứu thị trường giải trí và du lịch châu Á AECOM Economics khẳng định với hãng thông tấn AFP.

“Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của tầng lớn trung lưu đồng nghĩa với nhu cầu về thời gian giải trí và thư giãn tăng theo. Đây chính là động lực chính cho sự phát triển của các sản phẩm văn hóa và du lịch chất lượng cao”, ông Christian Aaen nói thêm.

Tokyo Disneyland, trường quay Universal tại Osaka và công viên văn hóa Everland, Hàn Quốc đã lọt vào top 10 các công viên văn hóa có lượng khách tới tham quan đông nhất trong năm ngoái, theo thống kê của tổ chức chuyên nghiên cứu về du lịch và lữ hành Themed Entertainment Association.

Tin tưởng vào triển vọng sáng sủa của các công viên văn hóa tại châu Á, hãng Universal đã ký thỏa thận xây dựng mô hình trường quay kết hợp các khu vui chơi, giải trí lớn nhất châu Á tại Hàn Quốc trị giá 2,67 tỷ đô la Mỹ. Theo tính toán của các chuyên gia khi hoàn thành vào năm 2014, khu giải trí cao cấp này sẽ lớn hơn cả trường quay Universal ở Hollywood, Florida, Osaka và Singapore cộng lại.

Theo tờ South China Morning Post, bất chấp doanh thu từ Disneyland ở Hong Kong giảm khoảng 70 triêu đô la Hong Kong (tương đương khoảng 9 triệu đô la Mỹ) vào năm ngoái, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư mạnh tay vào các dự án công viên giải trí quy mô lớn. Dự án Disneyland ở Thượng Hải sẽ chính thức khởi động từ tháng 11 tới.

Không chỉ “nóng” ở các thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản, các công viên văn hóa theo mô hình các thương hiệu hàng đầu đang dự định được triển khai ở các nước Đông Nam Á. Công viên giải trí hàng đầu của Đan Mạch, Legoland sẽ có mô hình đầu tiên ở Malaysia trong năm sau.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tầng lớp trung lưu ở châu Á sẽ có sự gia tăng đột biến về số lượng trong khoảng 5 năm tới và nhanh chóng trở thành nhóm người tiêu thụ lớn nhất lớn thế.

“Tầng lớp trung lưu ở châu Á được hy vọng sẽ trở thành lớp người tiêu thụ toàn cầu mới, đồng thời thay thế vai trò của tầng lớp trung lưu ở Mỹ và châu Âu trước đây”, báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á khẳng định.

ADB cũng khẳng định, sự xuất hiện của Universal Studios tại Singapore được coi là “điểm mở đầu cho thập kỷ mà châu Á đóng vai trò chính trong sự phát triển của ngành công nghiệp không khói”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim trường - điểm hẹn du lịch mới ở châu Á

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.