(HNMCT) - Nói tới phim về đề tài chiến tranh, người ta thường nghĩ tới những trận đánh ác liệt, những đại cảnh hoành tráng. Thế nhưng, có một điều khá đặc biệt là nhiều bộ phim kinh điển về chiến tranh của thế giới không hẳn đi theo mô típ này, mà khiến người ta nhớ mãi bởi sự ám ảnh về số phận con người.
Điều nói trên được minh chứng qua những bộ phim chiến tranh được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Mỹ hiện đại như "Schindler’s list" ("Bản danh sách của Schindler" - đạo diễn Steven Spielberg, năm 1993), "Saving private Ryan" ("Giải cứu binh nhì Ryan" - đạo diễn Steven Spielberg, 1998), "Black hawk down" ("Diều hâu gãy cánh" - đạo diễn Ridley Scott, 2001)... Trong đó, “Bản danh sách của Schindler” luôn được nhắc đến như một bài học lớn cho các nhà làm phim sau này.
Nằm trong hầu hết các bảng xếp hạng phim chiến tranh hay nhất mọi thời đại, “Bản danh sách của Schindler” là phim điện ảnh nổi tiếng của Hoa Kỳ, phát hành năm 1993, do Steven Spielberg làm đạo diễn, đồng sản xuất và Steven Zaillian viết kịch bản. Phim dựa theo cuốn tiểu thuyết “Schindler’s Ark” của tiểu thuyết gia người Australia Thomas Keneally kể về một sự kiện có thật. Từ năm 1943, ông Schindler, chủ nhà máy sản xuất bát đĩa bằng kim loại, người Đức, bắt đầu giúp đỡ những tù nhân Do Thái bị phát xít Đức kết án. Những người được ông nhận vào làm việc đã thoát chết do không bị đưa đến các "trại chết chóc" của phát xít Đức. Tổng cộng, ông Schindler đã cứu mạng sống của gần 1.200 người. Ông Schindler qua đời vào năm 1974.
Bộ phim được đánh giá là “một kiệt tác khiến nhân loại phải rơi nước mắt về cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II”. Điều đặc biệt của bộ phim này là nó đi theo một hướng hoàn toàn khác với những gì mà người ta thường nghĩ về phim chiến tranh do Mỹ sản xuất trước đó. Vào thời điểm năm 1993, Steven Spielberg được biết đến là đạo diễn của những bộ phim giả tưởng có doanh thu cực lớn như loạt phim “Indiana Jones”, “E.T. Sinh vật ngoài hành tinh” (1982), loạt phim “Công viên kỷ Jura”. Và khi ông thực hiện bộ phim “Bản danh sách của Schindler”, tờ NewYork Times đã ví đây là “cú đấm có một không hai đáng kinh ngạc nhất trong lịch sử điện ảnh Hoa Kỳ”.
Với bộ phim này, Spielberg đã quyết định thử nghiệm rất nhiều thứ mới. Ông chọn phong cách tài liệu cho phim và gây bất ngờ khi chọn Janusz Kaminski - một nhà quay phim trẻ người Ba Lan, còn vô danh, đảm trách phần hình ảnh. Sau thành công của phim này, Janusz đã trở thành nhà quay phim “ruột” trong hầu hết phim của Spielberg sau đó. 40% cảnh quay của bộ phim được quay bằng camera cầm tay và Spielberg quyết định không dùng bất kỳ thiết bị quay hiện đại nào mà ông vẫn thường sử dụng trong các phim bom tấn trước đó để tạo cho bộ phim tính tự nhiên, sắc bén, chân thực nhất. Steven Spielberg chọn làm phim đen trắng bởi ông "không muốn tô điểm cho các sự kiện đẫm máu”. Ông cũng chia sẻ rằng, thời gian quay bộ phim là khoảng thời gian vô cùng xúc động đối với cá nhân ông bởi những ám ảnh thời thơ ấu khi ông phải đối mặt với việc bài trừ người Do Thái, hay những câu chuyện về cuộc diệt chủng người Do Thái (Holocaust) mà ông nghe các nhân chứng kể lại... Ông khóc và gặp căng thẳng khá nhiều trong 72 ngày quay phim. Thậm chí, lúc quay cảnh những người Do Thái lớn tuổi bị bọn Đức lột truồng thả chạy rông để những gã bác sĩ phát xít lựa chọn đưa tới lò thiêu người Auschwitz, ông còn không dám xem.
Với sự lựa chọn táo bạo, đi ra ngoài xu hướng làm phim của Hollywood lúc bấy giờ, chính Steven Spielberg cũng nghĩ bộ phim sẽ thất bại về doanh thu nên ông không nhận thù lao. Nhưng thật không ngờ, những thước phim đầy ám ảnh về số phận con người này đã khiến cả nhân loại choáng váng, nó đã chạm đến lương tri nhân loại. Người xem bước ra khỏi rạp với gương mặt đẫm nước mắt và nỗi ám ảnh vì sao nhân phẩm con người lại có thể bị chà đạp đến như vậy. Với mỗi khung hình, Steven Spielberg đã chắt lọc những sự kiện phức tạp thành những hình ảnh mãnh liệt không thể xóa nhòa. Tại Đức, hơn 5,8 triệu vé xem bộ phim này đã được bán ra, là phim nước ngoài có nhiều người xem nhất. Tại Israel, bộ phim được phát sóng trên truyền hình vào ngày tưởng niệm Holocaust hằng năm.
“Bản danh sách của Schindler” là bộ phim được giới phê bình ca ngợi nhiều nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của Steven Spielberg. Phim thành công trên mọi phương diện: Doanh thu hơn 322 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ 22 triệu USD; đoạt 7 giải Oscar; được Viện Điện ảnh Hoa Kỳ AFI xếp hạng phim đứng thứ 8 trong danh sách 100 phim hay nhất của Mỹ mọi thời đại trong năm 2007 (lên một bậc so với danh sách năm 1998). Bộ phim được xem là một “tượng đài” của dòng phim chiến tranh thế giới với cách tiếp cận độc đáo, chân thực và đầy ám ảnh về số phận con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.