Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía sau những hợp đồng tiền tỷ

Thế Vũ| 30/03/2012 06:50

(HNM) - Có nhiều tiếng xì xào quanh thị trường chuyển nhượng cầu thủ bóng đá Việt Nam. Nhiều cầu thủ trên danh nghĩa có số tiền "lót tay" hàng tỷ đồng mỗi khi đầu quân cho đội bóng mới nhưng trong thực tế, con số thực nhận chỉ vào khoảng một nửa số đó, thậm chí thấp hơn.


Đây là một thực tế không dễ "điểm tận mặt, bắt tận tay", có lẽ là bởi những người trong cuộc ràng buộc bằng luật chơi bất thành văn, nhưng điều đó không thể ngăn cản dư luận râm ran trong giới "quần đùi, áo số". Lý do của sự "nóng" trên thị trường chuyển nhượng rất đơn giản, là bởi sau mỗi bản hợp đồng, những người trong cuộc lại kiếm được một khoản kha khá. Điều này giải thích vì sao qua mỗi mùa giải, các CLB liên tục thực hiện các bản hợp đồng tiền tỷ, bất chấp trình độ của cầu thủ được cho là chỉ tương đương 1/3 giá trị hợp đồng.

Nhiều cầu thủ tại V.League chỉ có trình độ tương đương 1/3 giá trị hợp đồng.

Trong cái vòng quay nhiều lúc chóng mặt, từ HLV đến giám đốc điều hành đều có thể là một mắt xích trong quá trình chuyển nhượng cầu thủ mà giá trị hợp đồng thường ở mức tiền tỷ. Có một chuyện được kể như thế này: Sau khi ký hợp đồng với B.Bình Dương, một số cầu thủ đã lên phòng HLV Lê Thụy Hải để "cảm ơn". Từ chối mãi không được, ông Hải cầm chiếc phong bì của học trò, nhét vào túi, rồi ngay lập tức rút ra đưa lại. "Thế này coi như "bố" đã nhận rồi, tiền chúng mày cứ mang về" - ông Hải nói với mấy tân binh.

Cách ứng xử của HLV Lê Thụy Hải vào loại hiếm ở V.League và đấy cũng là một phần lý do vì sao ông nhận được sự nể trọng của nhiều cầu thủ. Ở chiều ngược lại, việc các cầu thủ tự động đi "cảm ơn" HLV chỉ là chuyện nhỏ trong "góc tối" phía sau mỗi bản hợp đồng. Đã xuất hiện tâm lý chung, là để được đầu quân cho một đội bóng mới, đồng nghĩa với việc được nhận một khoản tiền kha khá thì cầu thủ cần phải "biết điều". Thế là râm ran chuyện tỷ lệ cầu thủ cắt lại cho "những người có trách nhiệm" trong việc đưa mình về CLB mới (thường được gọi là "phế") có thể lên tới 40%.

Có những CLB thậm chí đã bị coi là trạm trung chuyển cầu thủ, mà điển hình là The Vissai Ninh Bình dưới thời Giám đốc điều hành CLB Trần Tiến Đại - đồng thời cũng là một "cò" bóng đá nổi tiếng. Ninh Bình khi còn được điều hành bởi "cò" Đại đã thực hiện hàng chục bản hợp đồng lớn nhỏ. Từ bộ tứ Hữu Chương, Trọng Bình, Tấn Điền và Đức Hùng của K.Khánh Hòa đến Như Thành, Việt Thắng, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Sỹ Mạnh, Mai Tiến Thành… Với những cầu thủ thành danh như trung vệ Như Thành hay tiền đạo Việt Thắng, số tiền "bầu" Trường phải móc túi chi trên dưới chục tỷ đồng.

Chuyện "ai cũng biết", nhưng để làm rõ thì như đã nói ở trên, không hề dễ. Bóng đá Việt Nam trong 3 năm qua đã ngốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng thực trạng phát triển khiến cho những ai có trách nhiệm cũng phải buồn lòng. Những người chịu khổ ở đây có lẽ bao gồm cả các ông "bầu" bóng đá. Chủ tịch CLB Bóng đá HA.GL Đoàn Nguyên Đức mùa rồi than thở, đại ý mỗi năm chi 70-80 tỷ đồng cho đội bóng nhưng gần như chưa thu lại được gì. "Bầu" Nguyễn Mạnh Trường của The Vissai Ninh Bình bị "móc ruột" một thời gian, gần đây mới lên tiếng về những gì liên quan. Ông Trường thậm chí vạch ra thực tế khác, liên quan chặt chẽ với những vụ chuyển nhượng đình đám, là cầu thủ đôi khi đá không phải vì CLB. Có những trận đấu mà cầu thủ đá ở dưới sân, trên khán đài ông chủ tức anh ách nhưng không cách nào để "bắt tận tay, day tận trán".

Bóng đá Việt Nam, chừng nào còn những người tham gia cuộc chơi chỉ vì mưu lợi cá nhân, chừng đó còn nhiều nỗi lo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phía sau những hợp đồng tiền tỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.