(HNM) - Ngành Du lịch cả nước đang trên đà phát triển và khá hồ hởi vì có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 30%, thu hút trên 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017 như Thủ tướng yêu cầu. Đây là những nỗ lực lớn không thể phủ nhận, chẳng phải chỉ ở công sức mà ở cả sự chuyển biến trong tư duy nhận thức.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở chỗ nỗ lực mọi cách để đạt mục tiêu trước mắt mà quan trọng là phía sau tỷ lệ tăng trưởng du lịch 30%, chúng ta nhận thức sâu sắc điều gì về phát triển du lịch, từ đó có hành động thiết thực để hoạt động này thực sự phát triển bền vững?
Tỷ lệ tăng trưởng du lịch 30% và con số thu hút 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 nằm ở nội dung Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 2-6-2017 về “các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017”. Một lần nữa thấy rõ, Chính phủ khẳng định quan điểm phát triển du lịch không phải là chuyện của một ngành mà liên quan trực tiếp đến nhiều ngành, có đóng góp trực tiếp cũng như gián tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đây cũng “là nhiệm vụ, trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước”.
Tỷ lệ tăng trưởng du lịch đặt ra cho năm 2017 cũng được xây dựng dựa trên cơ sở tiềm năng, kết quả tăng trưởng khách du lịch quốc tế là 10,2%/năm cũng như những bài học phát triển của ngành Du lịch trong suốt 15 năm qua. Theo Nghị quyết 08-NQ/TƯ ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” thì thấy rõ đây mới là một bước để tiến tới mục tiêu dài hơn là “năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lượng khách quốc tế đạt từ 17 đến 20 triệu lượt. Đến năm 2030 thì thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực khác”.
Phát triển du lịch là bài toán thực tế hết sức chặt chẽ, được xây dựng dựa trên tiềm năng, yêu cầu phát triển bền vững vì những mục tiêu dài, chứ nhất định không phải là và không chỉ là vì mục tiêu trước mắt. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng du lịch 30%, thu hút 13 triệu lượt khách quốc tế trong những tháng còn lại của năm 2017 cũng là thực hiện với tầm nhìn như thế.
Muốn như vậy, trước mắt, ngành Du lịch phải tập trung cho những giải pháp khả thi đã được xác định là: Xúc tiến mạnh các chương trình quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài, nhất là những thị trường tiềm năng; phối hợp với các địa phương trọng điểm để xây dựng sản phẩm du lịch thực sự chất lượng; cùng với đó là chấn chỉnh kịp thời các cơ sở lưu trú, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch… yếu kém; kết nối với các ngành, các lĩnh vực khác để khắc phục tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay; bảo đảm điểm đến hấp dẫn, an toàn...
Thực hiện các giải pháp trước mắt để đạt mục tiêu tăng trưởng 30% năm 2017, chúng ta cũng không quên những nhiệm vụ lâu dài nhằm hạn chế dần những tồn tại cơ bản vốn được xem là nguyên nhân tác động trực tiếp vào sự phát triển bền vững của ngành như sản phẩm chưa hấp dẫn, khác biệt, khả năng cạnh tranh yếu; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước chưa cao; môi trường du lịch (thực phẩm, giao thông…) chưa an toàn…
Đặc biệt, phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi ứng xử văn hóa sâu sắc ở tất cả các tầng mức. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách xác định đúng vị thế, tạo đà cho phát triển du lịch thì các doanh nghiệp cũng phải tâm niệm làm ăn uy tín và mỗi người dân cũng phải bằng từng việc nhỏ vun đắp cho hình ảnh du lịch quốc gia.
Xét cho cùng đấy mới là ý nghĩa, đích đến cuối cùng phía sau những con số tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.