Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phí đường bộ đối với xe mô tô: Thu thế nào cho hiệu quả?

Đà Đông| 15/06/2013 05:59

(HNM) - Đề xuất thu phí đường bộ đối với xe mô tô ở mức tối đa từ 100.000 đồng tới 150.000 đồng/năm/xe tùy theo dung tích xy lanh của Cục Thuế Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm...

Trong khi chờ quyết định cuối cùng của HĐND TP Hà Nội tại kỳ họp sắp tới, nhiều người bày tỏ lo ngại, quy định giao UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn sẽ khó khả thi...

Thu phí đường bộ đối với xe mô tô đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Ảnh: Thái Hiền


Thu tối đa được hơn 600 tỷ đồng/năm

Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm khoảng 844 tỷ đồng. Với đặc thù, dân số đông, lưu lượng và tần suất xe lưu thông trên đường lớn, cơ sở hạ tầng phải đầu tư xây mới, duy tu thường xuyên nên thành phố Hà Nội đề xuất áp dụng mức thu tối đa phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện với xe mô tô. Cụ thể, mỗi năm, xe có dung tích xy lanh đến 100cm3 nộp phí 100.000 đồng, loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 phải chịu mức phí 150.000 đồng.

Theo tính toán của Cục Thuế Hà Nội, với hơn 4,5 triệu xe mô tô hiện nay, khi triển khai thu phí sử dụng đường bộ, ước tính mỗi năm Hà Nội thu về được hơn 605 tỷ đồng. Con số này vẫn nhỏ hơn so với mức kinh phí 844 tỷ đồng thành phố bỏ ra để bảo trì đường bộ hằng năm. Còn về phía người dân, mỗi năm bỏ ra 100.000-150.000 đồng đóng phí đường bộ không phải là con số quá lớn, nhưng với đường sá chật hẹp, thường xuyên tắc nghẽn như hiện nay, nhiều người dân tỏ ý băn khoăn. Anh Vũ Kim Ngọc ở quận Long Biên chia sẻ, bỏ thêm một vài trăm nghìn mỗi năm để nộp phí đường bộ cho xe máy không đáng ngại, nhưng vấn đề phải cải thiện hệ thống đường giao thông. Không như anh Ngọc, anh Nguyễn Tuân - người hành nghề xe ôm lâu năm ở Núi Trúc, Ba Đình than thở: "Nhà tôi có 4 xe máy, con cái còn đi học, cùng một lúc phải đóng phí đến 500.000 đồng là cả một vấn đề phải suy nghĩ".

Tổ trưởng khu dân cư sẽ thêm việc

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, UBND cấp xã là cơ quan thu phí đối với các xe mô tô trên địa bàn, có trách nhiệm chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn chủ phương tiện kê khai và tổ chức thu. Như vậy, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư, trưởng thôn sẽ kiêm luôn việc gõ cửa từng nhà để thu phí bảo trì sử dụng đường bộ đối với xe máy. Dù chưa đến thời điểm thi hành, song không ít tổ trưởng tổ dân phố lo ngại khi phải kiêm thêm nhiệm vụ mới, chưa kể số lượng xe mô tô quá lớn. Đơn cử, tính đến hết quý I năm nay, tại phường Hàng Trống (Hoàn Kiếm) có 4.743 xe máy, phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng) có 14.435 xe máy, phường Vạn Phúc (Hà Đông) có 6.529 xe máy, xã Trung Hòa (Chương Mỹ) cũng có tới 4.825 xe máy... Lượng xe nhiều, trong khi lực lượng cán bộ thôn, tổ dân phố mỏng nên để thu đủ, thu đúng không đơn giản. Một tổ trưởng dân phố ở quận Ba Đình băn khoăn, hiện nay cán bộ ở các tổ dân phố đang phải đảm nhiệm nhiều việc, mỗi năm đã thu hàng chục loại phí, các khoản tiền đóng góp, nay thu thêm phí đường bộ đối với xe máy lại phải viết biên lai như quy định thì thật khó đảm trách. Nhìn xa hơn, không ít người lo lắng, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn hiện nay phần lớn là người nhiều tuổi, không có nghiệp vụ về ngành thuế nên sẽ khó tránh khỏi nhầm lẫn, sai sót khi thực hiện. Mặt khác, hiện chưa có chế tài xử phạt đối với những cá nhân, tập thể chây ỳ không nộp phí, điều này sẽ khiến các công việc của các tổ trưởng đã khó lại càng khó thêm.

Thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô là cần thiết. Tuy nhiên, mức phí bao nhiêu và cách thức thu như thế nào để phù hợp, hiệu quả, bảo đảm thu đúng, thu đủ và công bằng là điều các cơ quan chức năng của thành phố cần cân nhắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phí đường bộ đối với xe mô tô: Thu thế nào cho hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.