(HNM) - Câu chuyện tranh chấp phí dịch vụ chung cư Keangnam kéo dài vài tháng nay chưa tìm được hồi kết. Trong khi một số khu đô thị khác
Phí dịch vụ chung cư đang gây nhiều mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư. Ảnh: Khánh Nguyên
Chung cư Keangnam, tòa nhà cao nhất Việt Nam đến thời điểm này được coi là nơi "an cư" của giới nhà giàu. Vì vậy, tiêu chuẩn dịch vụ, theo công bố của chủ đầu tư, cũng thuộc hàng cao cấp. Thế nhưng, ngay từ khi bàn giao nhà và đưa vào vận hành dịch vụ, một bộ phận cư dân sinh sống tại tòa nhà này không đồng tình với mức giá dịch vụ mà chủ đầu tư thu, bởi theo đại diện các hộ dân, việc hạch toán tính giá dịch vụ chưa thỏa đáng và chất lượng dịch vụ chưa tương xứng với số tiền mà người dân phải trả. Đáp trả lại số hộ dân không chịu đóng phí dịch vụ, chủ đầu tư giảm bớt số lượng thang máy, cắt giảm một số dịch vụ nhà chung cư. Ở phía người dân cũng phản đối bằng cách tụ tập phong tỏa văn phòng của chủ đầu tư đặt tại tòa nhà, yêu cầu chủ đầu tư phải cấp lại dịch vụ. Mâu thuẫn giữa một số hộ dân và chủ đầu tư bị đẩy lên đỉnh điểm, làm xấu đi hình ảnh của một khu chung cư văn minh, hiện đại bậc nhất Hà Nội.
Sau thời gian dài âm ỉ, mới đây chủ đầu tư bất ngờ có văn bản "nhờ" UBND TP Hà Nội tìm giúp đơn vị vận hành tòa nhà này vì chủ đầu tư không thể duy trì dịch vụ với mức giá tạm thu bằng mức giá trần TP quy định là 4.000 đồng/ m2/tháng. Có lẽ, văn bản này mang tính chất "hờn dỗi" vì hơn ai hết, chủ đầu tư hiểu rằng điểm mấu chốt giải quyết mâu thuẫn chính là nhanh chóng thành lập Ban quản trị (BQT) và trong khi chưa thành lập được BQT, trách nhiệm vận hành các dịch vụ nhà chung cư là trách nhiệm của chủ đầu tư. Hay nói cách khác, để không phải duy trì dịch vụ cao cấp với mức giá không tương xứng 4.000 đồng/m2/tháng, chủ đầu tư phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định.
Cũng có thể coi là chung cư cao cấp, nhưng các hộ dân dự án N05 Đông nam Trần Duy Hưng đã không tránh khỏi bức xúc với chủ đầu tư (Tổng Công ty CP Vinaconex) về hàng loạt vấn đề, từ những thứ nhỏ nhặt như cung cấp gas, truyền hình cáp đến những thứ lớn hơn như sở hữu chung, sở hữu riêng, phí dịch vụ, phí trông giữ xe. Trả lời thắc mắc của người dân, chủ đầu tư cho rằng, thời điểm hiện nay phí dịch vụ chung cư vẫn chưa thu do số hộ chuyển đến còn ít, tuy nhiên, mức thu sẽ theo quyết định của TP, vào khoảng 4.000 đồng/m2/ tháng. Về tầng hầm 3 thuộc sở hữu chung của dự án, trong hợp đồng mua bán có thống nhất, bên bán trực tiếp hoặc chỉ định đơn vị quản lý, khai thác, vận hành phần sở hữu chung. Bên mua chỉ có quyền sở hữu đối với căn hộ. Với một số vấn đề khác, chủ đầu tư, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ gặp gỡ người dân để trao đổi thống nhất trên tinh thần các bên cùng có lợi.
Mới đây, một số khu đô thị do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư cũng vấp phải sự phản ứng của người dân khi chủ đầu tư thông báo áp dụng giá dịch vụ mới. Đây là câu chuyện lạ vì từ trước đến nay, những khu đô thị do HUD làm chủ đầu tư luôn được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ chung cư nhưng mức giá thu lại rất thấp. Theo đại diện một số hộ dân, việc xây dựng giá dịch vụ mới chỉ căn cứ vào sự phê duyệt của tập đoàn mà không có sự thỏa thuận của các hộ dân đang sinh sống tại chung cư.
Giải thích về đợt điều chỉnh giá này, Tập đoàn HUD cho biết, từ 1999 đến hết năm 2008, chủ đầu tư không điều chỉnh mức giá dịch vụ mà duy trì giá cũ để hỗ trợ các hộ dân chuyển về sinh sống. Từ năm 2009, chủ đầu tư mới có chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ do giá đầu vào tăng gấp nhiều lần trong suốt 10 năm trước đó. Tuy nhiên, việc điều chỉnh được tiến hành nhiều đợt để bảo đảm không gây đột biến, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đại diện chủ đầu tư nói, giá dịch vụ áp dụng lần này là 1.500 đồng/m2/tháng đối với căn hộ có thang máy và 1.000 đồng/m2/tháng đối với chung cư 5 tầng, còn thấp hơn rất nhiều so với mức giá được UBND TP Hà Nội ban hành cùng mức dịch vụ tương đương. Và thực tế, chủ đầu tư vẫn phải trích lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ, khai thác hạ tầng, thi công xây lắp để bù lỗ cho hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn giải thích, theo Luật Nhà ở, BQT là tổ chức đại diện các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày đưa vào vận hành, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu BQT. Khi chưa thành lập được BQT thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc của BQT. "Anh bán nhà, thu lợi nhuận, đương nhiên anh phải chịu trách nhiệm với các cư dân, không thể đẩy trách nhiệm cho TP được" - ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, về giá dịch vụ, đối với nhà chung cư chưa thành lập BQT, giá dịch vụ phải được trên 50% hộ dân sinh sống tại đó nhất trí thông qua. Trường hợp có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì thực hiện như thỏa thuận. Trường hợp xảy ra tranh chấp về giá dịch vụ, doanh nghiệp quản lý vận hành tạm thu theo mức giá trần hoặc giá trong khung giá dịch vụ nhà chung cư do UBND TP ban hành. Cụ thể với trường hợp Keangnam, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng không thể tách rời sự phối hợp của các cư dân. Chủ đầu tư chỉ được rút khỏi BQT khi nhà chung cư đã hoạt động ổn định và phải được hội nghị nhà chung cư, UBND sở tại chấp thuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.