Văn nghệ

Tạo môi trường cho sáng tạo, sáng tác văn học - nghệ thuật phát triển

Nguyễn Lê 25/07/2023 18:53

Chiều 25-7, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới (Nghị quyết 23).

anh-1(2).jpg
Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của Nghị quyết 23, thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung xây dựng, tham mưu, ban hành nhiều chính sách gắn với thực tiễn trong hoạt động trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần hiệu quả trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của lĩnh vực này.

Đảng bộ, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo môi trường thuận lợi cho văn học, nghệ thuật ngày càng phát triển phong phú, năng động, sáng tạo. Thành phố đã phát động giải thưởng sáng tác 5 năm/lần; giải thưởng sáng tạo thành phố; giải thưởng sáng tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

anh-2(2).jpg
Toàn cảnh hội nghị.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, văn học, nghệ thuật cần được khai thác một cách hiệu quả yếu tố kinh tế, đem lại nguồn lực cho sự phát triển của thành phố.

“Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng sáng tạo lớn cho công nghiệp văn hóa. Các cơ quan có liên quan cần thay đổi nhận thức xã hội về công nghiệp văn hóa; coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực… nhằm khơi thông dòng chảy văn học, nghệ thuật. Để xây dựng công nghiệp văn hóa thực thụ, chính tác giả phải ý thức sáng tạo tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có tính nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm sau khi ra đời phải được bảo vệ, phản biện tích cực, để chúng được tiếp cận thị trường hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cho hay.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp văn hóa thành phố phát triển mạnh trên lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp văn hóa thành phố đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của thành phố Hồ Chí Minh và góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Xây dựng công nghiệp văn hóa không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GRDP mà còn trở thành “sức mạnh mềm” của thành phố.

anh-3(1).jpg
Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của UBND thành phố.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đề nghị, nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị thành phố về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước; phát triển nền văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn với tiếp thu cái mới. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh đầu tư các thiết chế văn hóa, khuyến khích toàn dân tham gia sáng tác, sáng tạo, phát triển văn học, nghệ thuật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường cho sáng tạo, sáng tác văn học - nghệ thuật phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.