Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu

Kim Nhuệ| 06/12/2017 07:20

(HNM) - Biến đổi khí hậu và những hạn chế nội tại đang tạo ra nhiều thách thức cho ngành Thủy lợi Việt Nam. Làm thế nào để thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa nền kinh tế… là những vấn đề cấp thiết đang đặt ra cho ngành Thủy lợi hiện nay.

Biến đổi khí hậu khiến Trạm bơm tiêu Hạ Dục (Chương Mỹ) không phát huy công năng, phải đầu tư xây mới.


Nhiều thách thức

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của Đồng bằng sông Hồng, TP Hà Nội có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển thủy lợi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã: Tác động của biến đổi khí hậu đã tạo ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, gây khó khăn cho việc cấp nước, tiêu thoát nước và phòng chống lũ lụt; trong đó, 9 công trình lấy nước đầu mối bố trí dọc triền các sông: Đà, Hồng, Đáy hiện nay của Hà Nội không thể lấy được nước, phải bơm 2 cấp, thậm chí là 3, 4 cấp do nguồn nước trên các sông ngày càng cạn kiệt…

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết: Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi ở các tỉnh Tây Nguyên đang tồn tại nhiều bất cập, cụ thể là hệ thống này mới chú ý tưới cho cây lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực, với 80% diện tích; trong khi cây cà phê có giá trị cao thì chỉ được tưới 40% diện tích. Nếu trồng lúa thì tốn nước gấp 10 lần so với cây công nghiệp nhưng giá trị kinh tế kém rất nhiều lần so với các cây trồng khác cùng diện tích...

Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Đỗ Vũ Hùng cho rằng: Bất cập lớn nhất của tỉnh An Giang thời gian qua là mới tập trung đầu tư công trình nội đồng, chưa đầu tư xây dựng công trình đầu mối lớn để quản lý lũ lụt, hạn hán. Hiện tỉnh An Giang có 1.500 trạm bơm nhưng công suất rất nhỏ, vì vậy, công tác phòng chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn.

Đánh giá 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh khẳng định, ngành Thủy lợi đã giành nhiều kết quả quan trọng về quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển và hiện đại hóa hệ thống công trình… góp phần quan trọng bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, phát triển thượng nguồn (xây dựng hệ thống hồ chứa trên các dòng chính, khai thác rừng…) và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thiếu nguồn lực đầu tư, duy tu, bảo dưỡng công trình… nên ngành Thủy lợi Việt Nam chưa hoàn thành 5 mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển thủy lợi.

Sau thời gian thực hiện Quyết định 1590/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và được Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thủy lợi. Hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu tưới ổn định cho 68,8%, tiêu ổn định cho 82,38% diện tích gieo trồng hằng năm...



Định hướng đa mục tiêu

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, quản lý hiệu quả nguồn nước… ông Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cần phải xác định mục tiêu bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế… Trên cơ sở mục tiêu này, ngành Thủy lợi Việt Nam cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ: Hoàn thiện chính sách về giá dịch vụ thủy lợi; tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý khai thác công trình thủy lợi; đầu tư công trình lớn tạo nguồn, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…

Để có được một hệ thống thủy lợi hiện đại, tự chủ về mặt tài chính, theo Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng năng lực quản lý, cải cách thể chế, huy động nguồn lực hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, bảo đảm an toàn hồ đập; sử dụng hiệu quả nguồn nước… Còn Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu cho rằng, hệ thống hồ đập của Việt Nam đang xuống cấp nghiêm trọng, nếu không hiện đại hóa công trình sẽ khó bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống thiên tai, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thông minh...

Đánh giá cao đề xuất của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý, biến đổi khí hậu khiến tần suất bão lũ ngày càng gia tăng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… tác động lớn đến nguồn nước làm thay đổi chiến lược phát triển thủy lợi, cần phải đổi mới để khắc phục. Tuy nhiên, nhiều vùng kinh tế trên địa bàn cả nước hiện không thể phát triển hệ thống thủy lợi lớn thì phải nghiên cứu phát triển hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ, trong đó cần tính đến giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng hệ thống trữ nước quy mô nhỏ nhằm bổ sung cho nguồn nước ngầm… Ngoài đề xuất trên, các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý thêm định hướng phát triển thủy lợi phải phục vụ nhiều mục tiêu, ngành kinh tế, trong đó chú trọng vấn đề cấp nguồn cho sản xuất nước sạch sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.