Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Thanh Hà - Ảnh: Quang Thái| 17/12/2021 10:10

(HNMO) - Sáng 17-12, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại".

Quang cảnh hội thảo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, PGS.TS Đoàn Minh Huấn và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai chủ trì hội thảo.

Hà Nội cơ bản hoàn thành các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Do đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại".

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu đề dẫn hội thảo.

Điểm lại những kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố đã phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Hà Nội triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, sẵn sàng khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương từ năm 2020.

Hà Nội tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, quản lý thuế và nhiều lĩnh vực khác.

Thực hiện xanh hóa đô thị, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh; đồng thời, có nhiều mô hình kết nối, huy động hiệu quả người dân vào cuộc trong phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, triển khai nhiều "mô hình xanh" như cánh đồng hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, đoạn đường nông dân kiểu mẫu...

"Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định.

Các đồng chí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, thành phố Hà Nội chủ trì hội thảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nêu rõ, công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn thiếu. Quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của thành phố diễn ra nhanh gây ra áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, dân cư, quản lý đất đai...

Do vậy, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình đô thị hóa, phát triển Thủ đô "xanh, thông minh, hiện đại" là hướng đi đúng đắn, tất yếu cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.

3 nhóm vấn đề phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại

Đối diện với những hạn chế, thách thức trên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Hà Nội cần có những giải pháp với một mô hình phù hợp, bảo đảm lộ trình đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Do vậy, tại hội thảo này, thành phố đề nghị các đại biểu, nhà quản lý, nhà khoa học tập trung thảo luận, làm rõ một số nhóm vấn đề chính.

Nhóm 1, đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội. Làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển bền vững, xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ.

Nhóm 2, nhận diện, phân tích những khó khăn, bất cập đã và đang đặt ra cùng nguyên nhân. Công nghệ, chính sách, con người và quản trị, đâu là chìa khóa mấu chốt tháo gỡ những điểm nghẽn hay phải được đồng thời coi trọng sử dụng triệt để tạo hiệu ứng và giải pháp cộng hưởng khơi thông tiềm năng, tạo ra cú huých phát triển, giải quyết những thách thức, khó khăn? Muốn xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội thông minh, xanh và hiện đại cần có những điều kiện cụ thể gì về nguồn lực?

Nhóm 3, Hà Nội cần có những giải pháp mang tính đột phá nào để trở thành thành phố "xanh, thông minh, hiện đại" tiêu biểu ở Việt Nam, xứng đáng với vị thế Thủ đô của cả nước? Hội thảo cũng mong nhận được những đề xuất, kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Hà Nội trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, các công trình có xu hướng xanh được xem là những dự án ưu tiên thúc đẩy (giai đoạn 2015-2020 có 10 công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh, riêng năm 2019 có 4 công trình). Diện tích cây xanh công cộng đến hết năm 2020 đạt 7,87m2/người. Tỷ lệ đường đô thị sử dụng thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng đã tăng từ 6,5% năm 2015 lên 8,1% năm 2019...

Về các nhiệm vụ ưu tiên giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

Thực hiện quản lý phát triển đô thị xanh, với các hành động ưu tiên như hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực; huy động, bố trí các nguồn lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh...

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển Thủ đô theo hướng thông minh và bền vững; về vai trò của tầng lớp trung lưu trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại; kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh của một số quốc gia châu Âu; vai trò của nông nghiệp xanh... Đại diện các quận Tây Hồ, Thanh Xuân cũng chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại tại địa phương mình.

Đáng chú ý, theo PGS.TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), mô hình phát triển thành phố thông minh của Hà Nội cần hướng tới 5 mục tiêu: Là đô thị đáng sống, đô thị kết nối, đô thị cạnh tranh, đô thị hiện đại và có bản sắc, đô thị thích ứng. Cùng với đó, Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp: Quy hoạch không gian đô thị thông minh, quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển hạ tầng thông tin, phát triển dịch vụ tiện ích thông minh, quản trị đô thị thông minh.

Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản điểm lại và đánh giá cao ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học... Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Hà Nội sẽ đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội; qua đó làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.