(HNM) - Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã tập trung thảo luận về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Lựa chọn phát triển ổn định
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân sách cho rằng trong giai đoạn tới nên phát triển ổn định kinh tế vĩ mô thay cho tăng trưởng nhanh như nhiệm kỳ trước. Lý giải điều này, đại biểu (ĐB) Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu) cho rằng: "Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng so sánh, việc điều hành ngân sách như đi trên dây và đó là sự rủi ro rất cao. Vì vậy, phải đặt mục tiêu bảo đảm an ninh tài chính lên hàng đầu, khi mà các cân đối lớn đều chạm ngưỡng". Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) khẳng định, không thể phát triển nóng, thúc đẩy tăng trưởng vội vàng bởi với tình trạng nợ công cao (chiếm 50,3% GDP) tiếp tục đẩy lên nữa thì có thể như giọt nước tràn ly, an ninh tài chính quốc gia bị đe dọa. Ở một góc độ khác, theo ĐB Vũ Viết Ngoạn (Đoàn Khánh Hòa), xảy ra tình trạng hạn hán ở Tây Nguyên, miền Trung, Tây Nam Bộ, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, còn là hậu quả của sự phát triển nóng trong trồng cà phê, cao su, làm thủy điện...
GDP quý I dự báo sẽ bị ảnh hưởng vì hạn hán, xâm nhập mặn, do vậy phải triệt để tiết kiệm chi. |
ĐB Bùi Quang Vinh dự báo, chắc chắn quý I-2016, GDP sẽ bị ảnh hưởng vì hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, miền Trung, Tây Nam Bộ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung thực hiện giảm áp lực chi ngân sách nhà nước và thực hiện triệt để tiết kiệm trong điều hành. ĐB Bùi Quang Vinh còn kiến nghị bố trí ngân sách để trả nợ (cả lãi lẫn gốc) vì nếu chỉ đảo nợ thì bội chi vẫn tăng. Nhiều ĐB kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Muốn vậy, theo ĐB Phạm Xuân Thăng (Đoàn Hải Dương), nên giải tán những cơ sở KHCN hoạt động không hiệu quả, tránh tình trạng các tổ chức, đơn vị KHCN hoành tráng, người đông, nhưng sản phẩm ít...
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, 5 năm tới, KT-XH trong nước sẽ chịu sự tác động sâu rộng khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do vậy, cần định hướng, hỗ trợ cho cộng đồng, nhất là doanh nghiệp để tránh "thua trên sân nhà". ĐB Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình) cho rằng: Hiện, cộng đồng doanh nghiệp hiểu về Hiệp định TPP còn hạn chế, dường như chưa "sốt ruột".
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Theo các ĐBQH, nhân tố căn bản để thực hiện đạt mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm tới chính là con người, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong bộ máy. Thực tế, việc "nuôi" một bộ phận CBCC "sáng cắp ô đi, chiều cắp về" đã dẫn đến những hệ lụy được ĐB Hà Minh Huệ (Đoàn Bình Thuận) dẫn chứng. Đó là dù có lực lượng giám sát các cấp nhưng vẫn tồn tại nhiều công trình xây dựng trái phép, sai phép? Trách nhiệm của Bộ Công thương ở đâu mà để kinh doanh đa cấp lừa đảo tràn lan?... ĐB Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) phản ánh thêm: "Đi giám sát ở nhiều bộ, ngành, chúng tôi thấy đội ngũ CBCC cứ bình bình, vì người làm được cũng như người không làm được, người đứng đầu ở những nơi không làm được vẫn thăng tiến lên vị trí cao hơn. Nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của TƯ như thời bao cấp…".
Để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, ĐB Trần Xuân Hòa (Đoàn Quảng Ninh) kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện tinh giản biên chế trong bộ máy mạnh mẽ hơn nữa; quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu trước Quốc hội, Chính phủ. ĐB Nguyễn Văn Phúc đề nghị đẩy mạnh phân cấp cho địa phương chủ động trong việc tinh giản biên chế. Liên quan đến đánh giá đội ngũ CBCC, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội) nhấn mạnh: "Chuyển động của Quốc hội sẽ làm chuyển động cả hệ thống bộ máy nhà nước và toàn bộ xã hội". Do vậy, các cử tri phải sáng suốt lựa chọn những ĐB thực sự có năng lực, thực sự vì nước, vì dân tham gia Quốc hội khóa tới.
Một số chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2016-2020 Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%. Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5%/năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.