Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp xứng tầm Thủ đô

Nguyễn Mai| 17/06/2022 06:17

(HNM) - Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025", Hà Nội đã thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đáng chú ý, Hà Nội đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, bền vững, xứng tầm Thủ đô.

Huyện Đan Phượng đã phát triển được 86ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề để lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Phát huy lợi thế mỗi địa phương

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, ngành trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, ổi không hạt, đu đủ ruột tím..., cây cảnh có giá trị cao. Ngành chăn nuôi đã đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất…

Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Hùng cho biết, phát huy lợi thế của địa phương, Thượng Mỗ đã cơ cấu lại trồng trọt, chuyển diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả. Diện tích trồng bưởi tôm vàng đã được mở rộng từ 77ha (năm 2017) lên 162ha (năm 2021). Sản phẩm bưởi tôm vàng Thượng Mỗ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể và được UBND thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Cây bưởi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đã đạt gần 77 triệu đồng/người/năm”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, xác định trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp nên Đan Phượng đã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất… Tính đến hết quý I-2022, huyện đã phát triển được 86ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo tiền đề để lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

Với lợi thế có Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT) đặt trên địa bàn, người dân nhiều xã của huyện Phú Xuyên đã đẩy mạnh phát triển nghề chăn nuôi gà, vịt với tổng đàn 667.000 con, mang lại giá trị sản xuất trên 210 tỷ đồng/năm. Ở các xã: Đại Xuyên, Phú Yên còn có hàng trăm hộ phát triển nghề ấp trứng gia cầm, thủy cầm, mỗi năm xuất ra thị trường trên 65 triệu con giống, trở thành “thủ phủ” cung cấp giống gia cầm, thủy cầm cho thị trường cả nước.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, tái cơ cấu ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít nên việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn…

Thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Mạnh Dũng

Tạo cơ chế đặc thù

Là địa phương được quy hoạch trở thành vành đai xanh của thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Năm 2022, Phúc Thọ đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ gắn với sơ chế, chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã xây dựng đề án tái cơ cấu, tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp trên cơ sở những lợi thế đặc thù. Triển khai Đề án: Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch, tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021-2025, thời gian tới, Chương Mỹ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nông nghiệp Thủ đô có đặc thù riêng, do vậy, cần có hướng đi riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô như nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao…

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Thành phố sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị... Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước…

Về việc xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất. Mặt khác, thành phố cần ban hành chính sách hỗ trợ nghiên cứu bảo vệ, phát triển, sản xuất các loại giống đặc sản bản địa; đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để hình thành cơ sở sản xuất giống…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp xứng tầm Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.