Nông nghiệp - Nông thôn

Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuấtBài 4: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

Nhóm phóng viên 09/11/2023 - 06:02

Hiệu quả từ một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã được khẳng định. Điều đó cho thấy, nông nghiệp Hà Nội còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, với lợi thế đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, hình thái nông nghiệp đô thị và thị trường du lịch rộng lớn sẽ mở ra cho Hà Nội hướng phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm.

du-lich-trai-nghiem.jpg
Khách du lịch trải nghiệm tại vườn nho Hạ đen ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Hướng đi đúng, phù hợp

Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là địa phương tiên phong trong chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, làng nghề. Đến Hồng Vân hôm nay, mùa nào cũng đẹp và đông khách đến tham quan.

Vừa là cán bộ xã, vừa là một “hướng dẫn viên du lịch”, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, là xã ven sông Hồng, có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nên Hồng Vân đã sớm nhận ra và tận dụng lợi thế phát triển du lịch từ chính cảnh quan, môi trường có một không hai của mình. Xã có 21 tuyến đường chính, thì trên mỗi tuyến đường đều được quy hoạch trồng một loài hoa. Đường cũng được đặt theo tên các loài hoa đó, như các đường: Hoàng Yến, Bằng Lăng, Hoa Ban, Phượng Vĩ… Ngoài ra, xã còn xây dựng gần 20 mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp kết hợp dịch vụ trải nghiệm. Những công trình văn hóa, di tích lịch sử được người dân cùng chính quyền góp sức trùng tu, tôn tạo.

Các phong trào xây dựng không gian sáng, xanh, sạch, đẹp và hình ảnh người Hồng Vân văn minh, thân thiện, mến khách cũng được chính quyền và nhân dân hưởng ứng triển khai. Nhờ đó, lượng khách về Hồng Vân luôn đạt từ 15.000 đến 20.000 lượt người/năm, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với thu nhập khoảng 6-8 triệu đồng/người/tháng.

“Vừa có thu nhập từ nông nghiệp, vừa có thu nhập từ du lịch và dịch vụ, nên đời sống người dân Hồng Vân được nâng cao. Hồng Vân cũng đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Thường Tín, trong đó có kiểu mẫu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ”, ông Nguyễn Hải Đăng chia sẻ.

Cùng với xã Hồng Vân, trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp do người dân, hợp tác xã, các chủ trang trại tổ chức. Chẳng hạn như trang trại học đường Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì), thu hút hàng chục nghìn học sinh tới tham quan. Mô hình vừa tạo ra giá trị kinh tế lớn cho chủ trang trại, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, vừa là điểm đến lý thú cho du khách...

Cũng gặt hái được những thành công nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm, anh Nguyễn Hữu Hợi ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) trồng nho Hạ đen kết hợp với đón khách tới vườn tham quan. Trên diện tích hơn 3.000m2, anh Hợi trồng 1.500 gốc nho và quy hoạch thành những khu vực cho khách trải nghiệm, trực tiếp sản xuất, mua sản phẩm chế biến từ nho và chụp ảnh… Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại trồng nho của gia đình thu được 250-300 triệu đồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện tại, Hà Nội đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Từ năm 2022, Hà Nội đã có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm).

Có thể thấy, hiệu quả của du lịch nông nghiệp là “một mũi tên, trúng nhiều đích”, vừa có nguồn thu từ sản xuất, lại có thêm nguồn thu từ làm dịch vụ. Hơn nữa, các mô hình cũng giúp cho không gian làng quê trở nên đẹp hơn, xanh hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 922/QĐ-TTg (ngày 2-8-2022) ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới, giải pháp quan trọng, nhằm phát triển kinh tế nông thôn. Ngày 4-3-2022, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương làm căn cứ phát triển nông nghiệp du lịch.

Vẫn còn rào cản

Thực tế cho thấy, tuy có tiềm năng và lợi thế, nhưng du lịch nông nghiệp ở Hà Nội vẫn gặp nhiều rào cản và phát triển tự phát, khá rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là do việc hình thành các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn. Cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn chưa bắt nhịp được với nhu cầu của xã hội. Chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái chưa sát với thực tế…

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn An (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, để có vùng sản xuất nông nghiệp đủ rộng, hợp tác xã phải thuê quỹ đất công của xã. Tuy nhiên, thời gian hợp đồng thuê đất chỉ 5 năm, nên rất khó để hợp tác xã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà sơ chế, nhà bảo quản hiện đại phục vụ phát triển sản xuất. Hơn nữa, theo Luật Đất đai, đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích để sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, muốn đón khách tham quan phải có cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà ăn, nhà nghỉ trưa, nhà vệ sinh...

Những khó khăn của Trang trại học đường Vạn An cũng chính là khó khăn chung của rất nhiều địa phương trong phát triển du lịch nông nghiệp hiện nay. Ngoài ra, các mô hình còn gặp một số khó khăn khác, như: Sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ; nhân lực làm du lịch là nông dân, chưa qua đào tạo. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lưu Văn Cầu, những tổ nhóm, hợp tác xã hay nông hộ làm nông nghiệp du lịch hầu hết chưa được đào tạo bài bản, chưa có nghiệp vụ tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn du khách. Từ một nông dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đòi hỏi phải được bồi dưỡng kiến thức. Cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện phải có cán bộ chuyên ngành nhằm hỗ trợ các mô hình nông nghiệp trong việc giới thiệu, kết nối tour - tuyến du lịch…

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản kiến nghị UBND thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù cho thí điểm việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch trên đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác hạ tầng du lịch để phục vụ du khách trải nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ. Sở Du lịch Hà Nội cần hỗ trợ việc xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tuyến du lịch, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của huyện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái, thu hút du khách trong nước, quốc tế. Thành phố kỳ vọng việc sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn bám sát tiến trình đô thị hóa.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để không lãng phí "bờ xôi, ruộng mật": Cần đổi mới tư duy, nâng cao giá trị sản xuất Bài 4: Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.