Tại phiên thảo luận ngày 1-11, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội có chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất bãi bồi ven sông, trên cơ sở bảo đảm pháp luật về đê điều và phòng ngừa thiên tai.
Đưa đến nghị trường Quốc hội các ý kiến của cử tri các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ..., đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội có chính sách để khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất bãi bồi ven sông, trên cơ sở bảo đảm pháp luật về đê điều và phòng ngừa thiên tai.
Bên cạnh đó, đại biểu Đoàn Hà Nội cũng cho biết, cử tri đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân hiệu quả hơn như chính sách kết nối, liên kết từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ, thu hút và mở rộng bảo hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp, có chính sách hấp dẫn hơn, dễ thực hiện hơn để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xứng tầm và tạo thành thế mạnh cho khu vực, cho ngành và tạo thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.
Thảo luận về vấn đề nông nghiệp, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) cho rằng, khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp không phải vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Qua tiếp xúc cử tri, các đại biểu nhận được nhiều phản ánh của người dân về các vấn đề chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp ở mức quá cao, tình trạng “được mùa mất giá”, phụ thuộc vào thị trường, thời tiết, thiên tai.
Từ đó, đại biểu Đoàn Bến Tre đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, tiếp tục có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vị trí, vai trò của nông dân, để nông nghiệp luôn là trụ cột vững chãi cho nền kinh tế, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trước đó, trong phiên thảo luận buổi sáng cùng ngày, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) đề nghị Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.
“Ngoài ra, tính ổn định quy hoạch chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Hạn chế này cần được giải quyết để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến độ công việc cơ cấu lại nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, lồng ghép hiệu quả nội dung cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, tập trung ở các nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển liên kết gắn với chuỗi giá trị, đầu tư hạ tầng thương mại logistic, quan tâm lồng ghép hiệu quả để phát huy sức mạnh của các nguồn lực đầu tư cho hai lĩnh vực này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.