Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp sạch: Nhìn từ bài toán phân bón

Ánh Dương| 06/08/2018 07:01

(HNM) - Việc sản xuất quá nhiều và kinh doanh không bảo đảm chất lượng hay sử dụng nhiều phân bón trong chăm sóc cây trồng… đã, đang gây ra những tác động xấu.

Hoạt động sản xuất, tiêu thụ, sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón thân thiện môi trường trong nông nghiệp đang được khuyến khích.


Nhiều sản phẩm - khó kiểm soát chất lượng

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hiện cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động do Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cấp phép, trong đó có 565 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ với công suất hơn 26,7 triệu tấn/năm; 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 2,5 triệu tấn/năm... Hiện ở Việt Nam có gần 20.000 sản phẩm phân bón đang được sản xuất, lưu thông và sử dụng.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu gần 5 triệu tấn phân bón. So sánh với một số nước như Thái Lan (có khoảng 100 nhà máy với hơn 1.000 sản phẩm), hay Canada (228 nhà máy với 1.043 sản phẩm), thì số lượng sản phẩm phân bón ở Việt Nam là quá lớn, trùng lặp, dư thừa và phức tạp, rất khó kiểm soát, khó nhận diện…

Ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, việc sản xuất và nhập khẩu phân bón gây dư thừa quá lớn, khoảng 33 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với nhu cầu trong nước. Việt Nam có khoảng 10 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp, hằng năm nông dân sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón các loại, chủ yếu là phân vô cơ (hơn 90%). Việc lạm dụng phân bón vô cơ đã gây ô nhiễm nguồn nước, tích lũy dư lượng chất độc hại trong nông sản và giảm độ phì nhiêu đất đai.

Theo Bộ NN&PTNT, lượng phân bón nông dân sử dụng nhiều, nhưng hiệu quả chỉ đạt 40-45% với phân đạm, 25-30% với phân lân và 55-60% với phân kali. Dư lượng chất trong phân bón dư thừa đã làm khoảng 846.000ha đất nông nghiệp của cả nước bị suy thoái.

Một vấn đề bức xúc hiện nay là nạn phân bón giả, kém chất lượng diễn ra tràn lan. Tại hội nghị về công tác nông vận trong sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón ở nước ta hiện nay, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cuối tháng 7-2018, ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông tin, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 171 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,816 tỷ đồng, tịch thu 100 tấn phân bón nhập lậu, tiêu hủy 500 tấn và 956 bao phân bón giả, kém chất lượng…

Phát triển phân bón hữu cơ

Trước tình hình nông dân sử dụng quá nhiều phân vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, TP Hà Nội đã tăng cường các biện pháp hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ và mang lại hiệu quả tích cực. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang theo hướng thâm canh cây trồng sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, nhưng lượng phân bón sử dụng trong trồng trọt cũng chỉ bằng 1/3 so với trung bình toàn quốc. Giảm nhiều chi phí cho phân bón, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 670 tỷ đồng/năm. Do đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) dẫn chứng: 100% nông dân Lĩnh Nam sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nên đã nâng dần chất lượng sản phẩm. Năm 2018, Lĩnh Nam sử dụng thực nghiệm sản phẩm phân bón hữu cơ của một đơn vị cung ứng, với thành phần phân gà tinh, phân tằm và bã nấm ủ hoai... là nhóm hợp chất giàu dinh dưỡng. Sản xuất thực tế cho thấy, cây trồng được bón phân hữu cơ có sức chống chịu sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt tốt hơn, cây phát triển đúng chu kỳ…

Cùng với đó, việc hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp cung ứng phân bón trực tiếp cho các hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ nông dân… cũng góp phần giảm chi phí sản xuất, giúp nông dân sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả và đất nông nghiệp không phải “oằn mình” gánh độc hại từ phân bón giả, kém chất lượng.

Ông Hoàng Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình cung ứng phân bón chậm trả cho nông dân ở Thanh Hóa đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Chất lượng phân bón bảo đảm, khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư nhưng vẫn có phân bón kịp thời. Sau 8 năm thực hiện (2010-2018), đến nay đã có 21/27 huyện, thị xã, thành phố với 300 xã trong tỉnh tham gia dịch vụ cung ứng phân bón chậm trả cho nông dân.

Tương tự, các cấp Hội Nông dân tỉnh An Giang cũng phối hợp với một đơn vị cung ứng phân bón trực tiếp cho nông dân là thành viên các câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác với số lượng hơn 10.000 tấn phân bón các loại.

"Trên cơ sở rà soát, đánh giá, Bộ đã loại bỏ 2.136 sản phẩm phân bón kém chất lượng, đồng thời siết chặt và hạn chế nhập khẩu phân bón. Hướng tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, Bộ khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón thân thiện môi trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn, nâng cao sự hiểu biết, nhận diện về phân bón cho cán bộ và nông dân các địa phương" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp sạch: Nhìn từ bài toán phân bón

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.