(HNM) - Thời gian gần đây, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội do việc sử dụng bừa bãi hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, kháng sinh, hoóc môn… trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thì cụm từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và sản phẩm NNHC mới bắt đầu xuất hiện và ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới, đặc biệt là với các nước phát triển, việc sản xuất và tiêu thụ NNHC thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt khoảng 10%. Sự chú trọng tới phát triển NNHC ngày càng được đề cao khi vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản, chất lượng môi trường sống được đặc biệt chú trọng và mục tiêu phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu.
Tại Việt Nam, sản xuất NNHC đã có từ lâu đời, song chủ yếu vẫn mang tính chất tự nhiên, nhỏ lẻ và truyền thống; thị trường sản phẩm NNHC mới nhen nhóm xuất hiện ở các thành phố lớn, chủ yếu là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một số hộ gia đình, doanh nghiệp đã bước đầu đầu tư sản xuất NNHC với những mô hình cho sản phẩm đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề đầu tư và phát triển loại hình này chưa có tính bền vững, thiếu đồng bộ, thiếu quỹ đất sản xuất, thậm chí chưa tạo được tâm lý an tâm cho người tiêu dùng.
Để các sản phẩm NNHC thực sự trụ vững và phát triển trên thị trường rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ ba phía: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cho sản xuất NNHC (tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định chung về hướng dẫn, kiểm tra, giám sát sản xuất và chứng nhận nhãn hàng hóa…), thiết lập hệ thống công nhận và chứng nhận cho các sản phẩm NNHC trong nước. Kèm theo đó là hình thành các cơ quan chức năng để tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC trên thị trường. Trên tổng thể cả nước rất cần có quy hoạch diện tích đất tại từng địa phương cho sản xuất và phát triển NNHC, quy hoạch các vùng sản xuất lớn, chuyên canh đối với từng loại sản phẩm (vật nuôi, cây trồng).
Đặc biệt, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến NNHC, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện về diện tích sản xuất; đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất NNHC, xác định và phát triển các sản phẩm NNHC chủ lực, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng cũng như nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. Có như vậy, chúng ta mới có thể cung cấp ra thị trường những sản phẩm NNHC không chỉ giản đơn là rau, củ, quả… như hiện tại mà là tất cả các sản phẩm có nguồn gốc “đầu vào” hữu cơ như thịt, trứng, sữa… bảo đảm quy trình chăn nuôi, nuôi trồng khép kín, theo đúng tiêu chuẩn.
Với các doanh nghiệp, cần tạo dựng thương hiệu, uy tín về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, phân phối, kết nối chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cần tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu của tiêu chuẩn NNHC; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu “đầu vào”, đầy đủ nhãn mác hàng hóa để truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho khách hàng, tạo nguồn sản phẩm chất lượng cao, an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu… Về phía người tiêu dùng, cũng cần được tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm trong đó có sản xuất NNHC, sử dụng sản phẩm NNHC để ủng hộ cho hướng phát triển mới của Ngành Nông nghiệp, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và góp phần giữ gìn môi trường sống thân thiện.
Đó chính là những bước đi cần thiết trong chiến lược dài hạn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC, góp phần đưa Ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.