(HNM) - Về bản chất, nội lực quốc gia chính là tổng hợp sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của đất nước. Đối với dân tộc ta, từ lịch sử cho thấy, sức mạnh tinh thần - Sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc có vai trò quyết định, đã từng nhân sức mạnh vật chất còn hạn chế lên biết bao lần để chiến thắng
Nói như thế không phải xem nhẹ sức mạnh vật chất khi đất nước gặp họa nhân tai và họa thiên tai. Khi tiềm lực vật chất mạnh sẽ giảm thiểu sức lực và máu xương của con người. Trong quan hệ biện chứng của vật chất và tinh thần cho thấy giá trị của tinh thần là trí tuệ xã hội đã sản sinh ra vật chất xã hội. Quy tụ được giá trị này sẽ làm cho nội lực quốc gia vững mạnh. Chăm lo mục tiêu phát triển (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh) một cách đồng bộ là điều kiện tiên quyết phát triển nội lực quốc gia để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, kiên quyết loại bỏ những lực cản trên đường thực hiện mục tiêu trên.
Năm 2015 - Năm Ất Mùi đã về! Thế là tròn 70 năm từ năm có cái can Ất kể từ Ất Dậu 1945. Năm Ất Dậu ấy chứa đựng trong lòng nó biết bao biến đổi (change) vốn là thách thức thời cuộc mà dân tộc Việt Nam phải đối đầu để vượt lên giành thắng lợi huy hoàng - thắng lợi mở đầu một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh.
Những biến đổi không tiền lệ đến từ thiên tai và nhân tai, trong đó chiến tranh là nhân tai khủng khiếp, tàn bạo nhất. Nói đến Ất Dậu thì không ai có thể quên nạn đói năm ấy do thiên tai và chiến tranh xâm lược của phát xít và đế quốc gây ra. Ở các miền quê, người chết đói đầy đường. Việt Minh chỉ thị phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân nghèo. Trong tình thế “một cổ đôi tròng” đến khi “Nhật - Pháp bắn nhau” đòi hỏi “hành động của chúng ta” phải khẩn trương. Khi khí thế giành chính quyền của nhân dân như cánh đồng cỏ khô, thì mồi lửa Tổng khởi nghĩa của Việt Minh châm ngòi làm bùng cháy khắp nơi, thiêu cháy chế độ phát xít và phong kiến.
Biến đổi lớn lao nhất là cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, người dân bước lên vũ đài chính trị làm chủ vận mệnh đất nước, làm chủ bản thân. Một giá trị nhân quyền, dân quyền lần đầu xuất hiện ở Việt Nam.
Những thách thức lịch sử đến từ Ất Dậu 1945 mà nhân dân ta đã vượt qua, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Đảng chính trị của Người là tiền đề để cách mạng Việt Nam vượt qua những thách thức “ngàn cân treo sợi tóc” (1945-1946), vững vàng, quyết tâm đối mặt với những cuộc chiến tranh không cân sức, tàn bạo, phi nhân tính của kẻ thù. Với vị thế làm chủ vận mệnh đất nước, nhân dân ta đã vượt qua hai cuộc kháng chiến thần thánh đầy gian khổ, hy sinh và thu giang sơn về một mối vào mùa Xuân 1975. Song, những vết thương đâu đã lành ngay, mà vẫn còn nhức nhối qua hàng vạn mảnh đời của nạn nhân chất độc da cam/dioxin! Và, những rào cản cho sự phát triển lại nảy sinh từ các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây - Nam, là chủ quyền biển đảo luôn bị xâm phạm…
Đi ra từ chiến tranh, nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình. Từ Ất Mão 1975 đến Ất Mùi, nay trải 40 năm, cả nước chung tay xây dựng hòa bình bằng đường lối đổi mới. Đại hội VI của Đảng năm 1986 như là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam. Không có bản lĩnh nhìn thẳng vào sự thật, không tôn trọng sự thật, không thể có đổi mới, không thể có điều kiện nâng cao thế và lực của nước nhà trên trường quốc tế như hôm nay.
Nhìn lại gần 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu phát triển có ý nghĩa lịch sử, ai cũng thấy nước nhà hiện vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề đã nhiều năm chưa khắc phục được. Những vấn đề ấy lại chuyển tiếp cho năm 2015, đòi hỏi mọi đảng viên và người dân, trước hết là tổ chức Đảng các cấp trăn trở tìm lời giải hiệu quả. Chỉ có thể theo bản lĩnh Đại hội VI mà cốt lõi là dám nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh thì mới có lời giải thiết thực, hiệu quả.
Về kinh tế, thiết chế kinh tế thị trường từng bước được hoàn thiện; đầu tư nước ngoài ngày một gia tăng thể hiện môi trường đầu tư ngày một cải thiện; thành tích phát triển kinh tế thể hiện trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và khai thác tiềm lực là rất đáng ghi nhận. Nhưng, những thành quả ấy chưa bền vững. Trong quá trình vận động quản lý nền kinh tế, đã xuất hiện nhiều hệ lụy, tạo kẽ hở gây thất thoát tài sản quốc gia, nảy nở tham nhũng trầm trọng. Sự phát triển thị trường quốc tế, hôm nay cho thấy có nhiều rủi ro lệ thuộc. Phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với an ninh, quốc phòng và bố trí thế trận phòng thủ chưa được nhận thức triệt để (thể hiện qua bố trí dự án kinh tế, du lịch vào những địa bàn quốc phòng chiến lược).
Về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường… còn nhiều ngổn ngang nhức nhối mà ai cũng thấy rõ. Chủ trương thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, ngay trong thực hiện từng chính sách cụ thể chưa được triển khai trên thực tế một cách đồng bộ trong toàn hệ thống. Hiện tượng chính quyền cơ sở vi phạm pháp luật gây xói mòn nhân phẩm, nhân tính, làm suy giảm niềm tin của nhân dân, rải rác tồn tại ở nhiều nơi mà báo chí từng đề cập (vụ chính quyền xã ăn chặn kinh phí nhà nước hỗ trợ nông dân trồng ớt; hiện tượng tham ô trong thực hiện chính sách với người có công…). Nền tảng đạo đức xã hội vẫn đang bị xói mòn trong môi trường y tế, giáo dục, văn hóa, văn nghệ. Nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn tiềm tàng. Tốc độ công nghiệp hóa tuy có tiến bộ, nhưng chậm, thiếu bền vững, sinh ra không ít những hệ lụy.
Nước nhà đã có 40 năm phát triển hòa bình nhưng hãy so sánh với Hàn Quốc sau 40 năm từ thế chiến thứ hai, họ đạt kết quả công nghiệp hóa ra sao? Singapore với 50 năm kể từ ngày tuyên bố độc lập, họ thực hành chính sách phát triển thế nào mà nay họ thực sự là điểm đến bền vững của thế giới. Nhìn ra ngoài mới thấy tư duy hoạch định các chính sách phát triển của ta và của người còn có khoảng cách. Trong khoảng thời gian 40 năm, chúng ta đi còn chậm so với thiên hạ. Thực sự cầu thị, tích cực học hỏi thế giới theo tinh thần Đại hội VI để thấy ta đang ở đâu so với các nước xung quanh mà phấn đấu. Sau 30 năm đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta đã thay da đổi thịt khá nhiều, sức sản xuất xã hội đã được giải phóng, thành tựu đổi mới ấy không ai phủ nhận, mà sao lòng dân chưa yên, niềm tin nơi dân bị suy giảm?
Phải chăng, điều làm cho lòng dân chưa yên là nạn tham nhũng. Tham nhũng mà khá nhiều văn kiện của Đảng coi là quốc nạn. Đảng đã mạnh dạn chỉ ra trong hàng ngũ của mình có một “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (NQ 12/TƯ; Phần tình hình và nguyên nhân). Trong gần 4 triệu đảng viên thì đó chỉ là một bộ phận không nhỏ. Nhưng nguy hại hơn, họ lại là “những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp”. Thực trạng như thế thì lòng dân chưa yên là phải. Suy thoái, biến chất ở mức độ như Nghị quyết Hội nghị TƯ 4 nêu thì niềm tin của đảng viên chân chính và toàn thể nhân dân sao có thể vẹn nguyên được như hồi chiến tranh!
Thử hỏi, “một bộ phận” ấy có làm nghèo, làm yếu đất nước về vật chất và tinh thần hay không? Câu trả lời của toàn dân là có, vì nó phương hại nhiều tới phát triển nội lực quốc gia, nhất là niềm tin nơi dân giảm thiểu, cũng đồng nghĩa sức mạnh bảo vệ Tổ quốc giảm thiểu. Vừa qua, Chủ tịch nước trong bài viết đầu năm của mình, coi lòng dân là “Quốc bảo dựng nước và giữ nước”. Quốc bảo ấy không tự nhiên có được mà hình thành bởi niềm tin vào lực lượng dẫn dắt xã hội và lực lượng dẫn dắt xã hội phải vun đắp những tố chất củng cố niềm tin nơi nhân dân, xưa bằng nhân cách của minh quân, nay bằng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mặt khác, niềm tin ấy không tự nhiên mà có, mà được nảy nở từ những trải nghiệm cuộc sống của lực lượng dẫn dắt xã hội. Chừng nào đẩy lùi được “một bộ phận không nhỏ”; chừng nào những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, từ cấp thấp đến cấp cao thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trên thực tế; chừng nào lòng tự trọng thôi thúc lãnh đạo nói đi đôi với làm, chừng đó, bộ phận dẫn dắt xã hội là Đảng Cộng sản sẽ thực sự là tấm gương xây dựng lòng tin, là chủ thể vun đắp, củng cố “Quốc bảo”.
Theo mạch tư duy đó, Đảng Cộng sản Việt Nam - lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam - có bổn phận phải làm trong sạch đội ngũ của mình! Đảng ta đã triển khai giải quyết những vấn đề cấp bách được hơn ba năm, nhưng kết quả chưa làm hài lòng đảng viên và nhân dân. Phải xử lý từ vĩ mô mới có sức lan tỏa. Ở mức độ nào đó, giữa tinh thần trong văn bản Nghị quyết Trung ương 4 và thực tế triển khai vẫn còn có khoảng cách. Quan hệ giữa ổn định và phát triển mang tính tương hỗ, song, cái ổn định phải được nhìn nhận biện chứng, ổn định phải là tiền đề để phát triển, còn ổn định mà vẫn ấp ủ ngổn ngang lực cản của phát triển thì phải khắc phục khẩn cấp. Nhân dân mong rằng, năm 2015 khoảng cách của tư duy và hành động phải được thu hẹp dần tới mức đồng nhất (nói đi đôi với làm).
Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) đã nhấn mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện kiên trì, quyết liệt hơn Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức trong Đảng và trong xã hội (1).
Tất cả tình hình chưa khái quát đầy đủ nêu trên đang là lực cản cho xây dựng, phát triển nội lực quốc gia. Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị của nước ta, cũng là năm toàn Đảng có cơ hội chuẩn bị thật chu đáo cho chỉnh đốn đội ngũ ngay ngắn, nghiêm chỉnh hơn để tiếp tục đủ bản lĩnh, trí tuệ thực sự phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc trước những biến đổi khôn lường của thời cuộc.
Nền tảng của đoàn kết nhất trí là thực hành dân chủ trong sinh hoạt Đảng theo khuôn khổ Điều lệ Đảng. Vấn đề này lại là nhân tố dẫn dắt, nêu gương về thực hành dân chủ theo Hiến pháp và pháp luật cho hoạt động của MTTQ Việt Nam nhằm tiến tới đoàn kết và đồng thuận xã hội. Sự đồng thuận xã hội có vị trí đặc biệt trong xây dựng nội lực quốc gia.
Chắc chắn, niềm tin nơi nhân dân được tăng lên khi thấy Đảng ta thực sự đoàn kết, thống nhất ý chí, quyết liệt đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, vì “tham nhũng, lãng phí, biến chất, làm việc tùy tiện, vô nguyên tắc” chỉ làm nghèo đất nước. Trong lúc này, việc xây dựng nội lực quốc gia về sức mạnh vật chất và tinh thần là tối thượng. Thận trọng quá dẫn đến nguy cơ kéo dài tình trạng trì trệ, làm nản lòng dân. Nhân dân luôn ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương cấp bách đẩy lùi những biểu hiện của “một bộ phận không nhỏ” mà Đảng đã chỉ ra.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động khó lường. Biển Đông vẫn hiện hữu những yếu tố mất ổn định đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên cảnh giác để tìm đối sách hợp lý. Tình hình đó, đòi hỏi phải tập hợp được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chung tay phát triển nội lực làm sức mạnh quốc gia để đấu tranh với bất kỳ thế lực nào có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu hợp tác bình đẳng vì hòa bình, phát triển của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng nội lực quốc gia là trách nhiệm của toàn dân, song, lực lượng dẫn dắt xã hội đóng vai trò cốt lõi thông qua phương thức lãnh đạo. Một trong những phương thức dẫn dắt quan trọng là thực hành dân chủ trên thực tế. Đoàn kết và đồng thuận thực sự chỉ có thể có trên nền dân chủ thực sự theo Hiến pháp và pháp luật! Hy vọng năm 2015 những chính sách về cải cách thể chế theo hướng thực hành dân chủ thực sự nhanh chóng đi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Không quy tụ được sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng, phát triển nội lực; không mềm dẻo mà kiên quyết bảo vệ được chủ quyền, thì làm sao bảo vệ được Tổ quốc trong bối cảnh thế giới đầy biến động phức tạp hiện nay. Từ kinh nghiệm của lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm để lại, Chủ tịch nước đã tổng kết: “không sợ bất kỳ kẻ thù nào, chỉ sợ mất lòng dân”. Lòng dân là vận nước. Làm thế nào để lòng dân không ly tán? Một câu hỏi giản dị, nhưng câu trả lời hiệu quả lại quá lớn mà toàn Đảng, toàn dân phải chung sức, chung lòng cùng hóa giải. Phải chăng, phát triển nội lực quốc gia về vật chất và tinh thần là thách thức đa chiều, to lớn và gay gắt trong năm 2015 đối với toàn Đảng, toàn dân ta?
Với đường lối muốn là bạn của tất cả các nước, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển, nước ta khát khao muốn xây dựng môi trường hợp tác quốc tế bền vững trên thực tế. Nhưng, khi thế giới còn xung đột nóng ở khu vực này, khu vực khác, khi quyền lợi nước lớn muốn chi phối, khống chế các quốc gia nhỏ bé thì ý thức tự tôn dân tộc đòi hỏi phải được khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chúng ta từng tuyên bố Việt Nam hội nhập quốc tế trong tư thế của quốc gia độc lập, tự chủ. Thế nên, không có điều gì thiêng liêng hơn bảo vệ chủ quyền Tổ quốc và bảo vệ nhân dân. Việt Nam không phải là nước nhược tiểu, mà là quốc gia từng trải, lớn lên trong mũi tên, hòn đạn của kẻ xâm lược ngàn năm qua. Việt Nam không thể đánh mất mình. Giông bão thời cuộc bao đời đã tôi rèn bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam và đây là nguồn lực vô song của nhân dân ta kết hợp với sức mạnh thời đại đủ sức nhấn chìm mọi sự đe dọa, gây hấn, cản trở phát triển hòa bình của nước ta.
Nghị quyết Đại hội Đảng VII và VIII đã từng bước cụ thể hóa, bổ sung, phát triển quan điểm về đối tác, đối tượng. Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của mỗi quốc gia ngày càng được biểu hiện rõ nét, Đảng ta đã có nhìn nhận mới về đối tác, đối tượng. Nghị quyết số 28-NQ/TƯ của BCH Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và đã đưa quan điểm về đường lối độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế thành nguyên tắc: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh (2).
Vừa hợp tác, vừa đấu tranh là thái độ hành xử của một quốc gia độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế hôm nay. Năm 2015 đang đặt ra cho Đảng ta - Đảng cầm quyền, một yêu cầu chuẩn bị tốt cho một chặng đường sắp tới, sao cho nội lực quốc gia về vật chất và tinh thần được phát triển. Tin tưởng rằng, nước ta sẽ vượt qua được sóng gió thời cuộc. Kinh nghiệm dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của tổ tiên vẫn là bài học lịch sử có giá trị nhắc nhở chúng ta tỉnh táo hơn, cảnh giác hơn để không chủ quan; bản lĩnh hơn để không mềm yếu; trí tuệ hơn để chọn đối sách đúng trong sự nghiệp phát triển nội lực quốc gia. Và, điều cốt yếu là luôn luôn chăm lo vun đắp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế. Chỉ có sức mạnh ấy mới đủ trí, đủ lực xây dựng đất nước hùng mạnh; đủ sức bảo vệ Tổ quốc, vì sức mạnh ấy là biểu thị sự quy tụ lòng dân ở đỉnh cao.
- - - - - - - -
(1) Báo Hànộimới, ra ngày 13-1-2015; tr.2
(2) Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 28-NQ/TƯ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.