(HNM) - Một trong những nội dung trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được Đảng ta xác định là phải xây dựng được một nền công nghiệp vững mạnh, độc lập, tự chủ. Để thực hiện chiến lược này, Việt Nam phải củng cố những ngành công nghiệp nền tảng, mà công nghiệp vật liệu cần ưu tiên đi trước một bước. Phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đó.
Vẫn phụ thuộc về nguyên vật liệu
Trong hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta, công nghệ vật liệu luôn được xác định là một trong 4 công nghệ cao được ưu tiên cùng với công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ tự động hóa.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, từ năm 2001 đến nay, Bộ luôn có chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học vật liệu mới. Ngoài ra, các nội dung nghiên cứu vật liệu được ưu tiên, lồng ghép vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng của quốc gia, như Chương trình công nghệ cao quốc gia, Đổi mới sản phẩm quốc gia... “Để tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam cần tự chủ được các nguồn vật liệu công nghệ cao, chất lượng tốt và giá thành tương đương hoặc rẻ hơn so với sản phẩm ngoại nhập”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp vật liệu của nước ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Sức cạnh tranh của nhiều ngành vật liệu còn hạn chế cả về trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, chất lượng và chi phí. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi... Mặc dù Việt Nam có nguồn cung cao su tự nhiên khá dồi dào, nhưng để làm ra được các sản phẩm từ cao su cần phải bổ sung khoảng 47% cao su tổng hợp, mà Việt Nam lại chưa có khả năng sản xuất cao su tổng hợp tại chỗ.
“Với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng, nguyên vật liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn phụ thuộc nguyên vật liệu nhập khẩu. Điều đó ảnh hưởng đến năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm quốc gia KC02 về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng vật liệu (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Có nhiều nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp vật liệu của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là nguồn nhân lực của ngành công nghiệp này còn thiếu và yếu. Để ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi phải có cách tiếp cận và tư duy mới về phát triển công nghiệp vật liệu, mà trọng tâm là cần sớm bổ sung nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao.
Trong những năm qua, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã đi tiên phong trong việc triển khai thí điểm đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Quy mô đào tạo ngành khoa học vật liệu bậc đại học của nhà trường là khoảng 400 sinh viên/năm; mỗi năm khoảng hơn 100 học viên cao học, nghiên cứu sinh… Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Đại học UCLA, Đại học Berkeley của Hoa Kỳ và các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu của Pháp thành lập Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Viện Công nghệ nano và đã đạt được nhiều kết quả trong đào tạo, nghiên cứu về các vật liệu tiên tiến.
Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là nơi đi đầu đào tạo về khoa học vật liệu. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu với quy mô tuyển 260 sinh viên/năm, học viên sau đại học và nghiên cứu sinh ngành vật liệu là 60 học viên/năm, nhà trường còn có một số đơn vị khác đào tạo về công nghệ vật liệu, như: Viện Kỹ thuật hóa học, Viện Vật lý kỹ thuật và Viện Điện tử viễn thông…, với số lượng tuyển sinh hằng năm là 850 sinh viên, số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh là 122 học viên.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực lĩnh vực vật liệu thông qua các nhiệm vụ khoa học - công nghệ trong và ngoài nước; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng vật liệu thông qua các chương trình khoa học - công nghệ cấp quốc gia. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định quy định hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có cơ chế, chính sách công nhận cho các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học.
"Chúng ta không chỉ tập trung đào tạo, bồi dưỡng, mà cần có các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà khoa học giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài, thậm chí là các nhà khoa học nước ngoài tham gia vào các nhiệm vụ nghiên cứu về công nghệ vật liệu của Việt Nam...", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.