Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vị thế của một thành phố sáng tạo

Mai Đình| 17/06/2023 07:02

(HNMCT) - Khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Thủ đô Hà Nội có mục tiêu rõ ràng là tạo vị trí xứng đáng cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, qua đó bồi đắp văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế, du lịch cũng như hoạt động giao lưu quốc tế. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu và vẫn đang thử nghiệm nhiều mô hình sáng tạo khác nhau. Song, có thể thấy tinh thần sáng tạo đã được lan tỏa trong cộng đồng, đã huy động được sự tham gia tích cực, rộng rãi của các đối tác, kết hợp với các nghệ sĩ, nhà quản lý... để tạo hiệu quả rõ rệt.

Đông đảo người dân tham quan kiến trúc pavilion tại vườn hoa Diên Hồng. Ảnh: Hưng Đào

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:
Kết hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài để xây dựng thành phố sáng tạo

Thành phố Hà Nội luôn cam kết và quyết tâm triển khai thực hiện, hiện thực hóa thành công các sáng kiến, dự án văn hóa trong khuôn khổ Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, từ đó góp phần thúc đẩy tích cực hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập văn hóa. Để thực hiện mục tiêu này, không thể thiếu được sự hợp tác, hỗ trợ của nguồn lực bên ngoài, nhất là những quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển, cùng với sự hỗ trợ và hưởng ứng tham gia nhiệt tình từ các đối tác, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong nước và quốc tế. Vì lẽ đó, trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thủ đô rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức quốc tế có liên quan, đặc biệt là các nghệ sĩ quốc tế có tình cảm yêu mến đất nước, con người Việt Nam nói chung cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn:
Đổi mới hoạt động nghệ thuật mang tính hội nhập

Giải pháp thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung của Thủ đô, theo tôi, cần một chiến lược bài bản hơn. Chúng ta có 2 hướng: Một hướng là hãy để cho xã hội tự lựa chọn và đầu tư cho cái gì họ cần, cộng đồng cần gì thì những nhà sản xuất sẽ tự đầu tư, các nghệ sĩ cũng sẽ chủ động làm việc đó. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư tập trung, là những "đơn" đặt hàng quan trọng, với những hội đồng thẩm định cụ thể, lựa chọn những người có năng lực và có sự đầu tư thích đáng, có thời gian để kiểm nghiệm sản phẩm. Có những sản phẩm mà phải đến 10 năm sau người ta mới cảm nhận được giá trị quá lớn của nó.

Bên cạnh đầu tư, đặt hàng, chúng ta còn mở cửa với thế giới. Chúng ta cũng có thể đặt hàng những tác phẩm xứng tầm của thế giới, không nhất thiết chỉ đặt hàng các nghệ sĩ trong nước. Ý tôi muốn nói đến các nghệ sĩ kiều bào và những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, họ có thể phối hợp với nghệ sĩ trong nước để tạo ra sản phẩm cụ thể. Tất nhiên, cần phải đề cao vai trò của người đi đầu, việc truyền cảm hứng và sự tập hợp sản xuất với nguồn lực tài chính và con người.

Là cơ quan quản lý văn hóa, chúng tôi đã kết hợp với các hội chuyên ngành để tạo thêm sân chơi, đưa ra những mục tiêu để các nghệ sĩ có thể phát huy tối đa khả năng, có điều kiện sáng tạo. Tôi tin rằng, các nghệ sĩ luôn mong muốn sáng tạo tác phẩm; bằng tài năng của mình, họ sẽ đưa ra những sản phẩm nghệ thuật mà ở đó chúng ta có thể nhìn thấy những góc độ phát triển của đất nước qua các thời kỳ.

Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp:
Thành phố sáng tạo không thể thiếu những không gian sáng tạo

Trong cuốn “Thành phố sáng tạo”, tác giả Landry đã đề cập đến bảy nhóm yếu tố tạo thành sự sáng tạo của đô thị, bao gồm: Phẩm chất cá nhân; Sức mạnh và vai trò của người lãnh đạo; Sự đa dạng về con người; Văn hóa của tổ chức; Bản sắc địa phương; Hạ tầng đô thị và không gian đô thị; Mối liên kết trong cộng đồng. Đáng lưu ý, hai yếu tố hạ tầng đô thị và không gian đô thị có liên quan mật thiết đến ngành kiến trúc. Những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức những tuần lễ thiết kế và xây dựng một số không gian sáng tạo, có sự tham gia của các kiến trúc sư. Các sự kiện liên quan đến thiết kế, sáng tạo hay kiến trúc, ví dụ như Tuần lễ thiết kế sáng tạo tại Văn Miếu, được thiết kế hiện đại tương tác với không gian lịch sử, thể hiện sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống. Một ví dụ gần đây là pavilion mang tên “Tỉnh thức” trưng bày các tác phẩm đạt giải Top 10 Awards với hình khối hộp gương, tạo nên sự tương tác rất tốt với cộng đồng. Đó là những ví dụ cho thấy sự đóng góp của kiến trúc đối với thành phố sáng tạo Hà Nội. Các kiến trúc sư rất chú trọng đến yếu tố truyền thống; ngoài việc kích thích sự quan tâm của công chúng với nghệ thuật, họ cũng khơi gợi cho cộng đồng nhìn nhận lại di sản của thành phố - sự sáng tạo bắt nguồn từ những di sản của Thủ đô.

Tuy vậy, có lẽ những không gian sáng tạo ở Hà Nội vẫn còn thiếu. Những không gian nhà máy cũ không được sử dụng trong nội thành còn tương đối, nhưng thường được chuyển đổi chức năng thành không gian nhà ở, khu đô thị mới cao cấp. Mặc dù điều đó phục vụ nhu cầu xã hội, thỏa mãn nhu cầu đầu tư, tạo ra lợi nhuận, phát triển kinh tế nhưng nếu lạm dụng chuyển đổi như vậy thì quỹ đất dành cho không gian sáng tạo không còn nữa. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, những công trình công nghiệp cũ được chuyển đổi thành trung tâm sáng tạo mang đến giá trị dài lâu, hữu hình và cả vô hình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vị thế của một thành phố sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.