(HNM) - Dù đã có kinh nghiệm thích nghi với dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản ở nước ta vẫn không tránh khỏi những tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội...
Thống kê cho thấy, số lượng sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong quý III-2021 giảm tới 51,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là quý có nguồn cung thấp nhất trong 5 năm qua và toàn bộ nguồn cung trên thị trường là hàng tồn từ các quý trước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản lâm vào thế khó vẫn có những tín hiệu tích cực, đó là giá giao dịch các loại hình bất động sản có biến động nhưng cơ bản vẫn ổn định, không bị rơi vào tình trạng “đóng băng” hay “sốt nóng”, thậm chí một số phân khúc có triển vọng tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, hiện tượng tăng giá cục bộ đất nền tại các địa phương được kiểm soát; hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản thiếu tính pháp lý, gây nhiễu loạn thị trường cơ bản được chấn chỉnh; mức độ quan tâm của người mua đến thị trường bất động sản vẫn rất lớn...
Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, cũng như có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh. Để thị trường bất động sản khôi phục, phát triển bền vững từ nay đến cuối năm 2021 cũng như trong các năm tiếp theo cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bên liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, việc quan trọng nhất vẫn là đẩy lùi “giặc Covid-19” để tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, gỡ bỏ các rào cản thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản. Khuyến khích các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào các sản phẩm giá thấp; tạo điều kiện khởi động lại những dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất thuộc Nhà nước quản lý theo nguyên tắc không làm thất thoát tài sản công và nguồn thu ngân sách nhà nước... Từ đó, bảo đảm cân đối cung - cầu, góp phần ổn định thị trường bất động sản.
Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, việc làm quan trọng nữa, đó là cần xem xét, sớm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết của thị trường bất động sản, như thiếu nguồn cung, mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm, tình trạng đầu cơ, thổi giá... Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, công khai về thông tin về các quy hoạch, dự án, phối hợp vào cuộc xử lý những dự án đăng thông tin không đúng sự thật; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thị trường bất động sản nhằm uốn nắn, chấn chỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư, các sàn giao dịch bất động sản thực hiện đúng quy định của pháp luật, tránh dư luận xấu và tránh rủi ro cho người dân.
Sau mỗi đợt dịch, nhu cầu bất động sản thường sẽ bật tăng mạnh trở lại. Dự báo, thị trường bất động sản sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư sẽ không nằm ngoài xu hướng này khi có thêm lực đẩy từ lãi suất ngân hàng liên tục giảm, cũng như nhiều nút thắt pháp lý đang dần được tháo gỡ... Vì thế, ngay từ bây giờ, các chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản cần chủ động trong chiến lược phát triển sản phẩm. Kinh nghiệm cho thấy, những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu thực tế của người mua sẽ có nhiều cơ hội phát triển.
Triển khai đồng bộ các giải pháp, bảo đảm cung - cầu, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.