Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển kinh tế tư nhân và xác lập kinh tế thị trường là xu thế không thể đảo ngược

Hồng Sơn| 03/12/2017 07:15

(HNM) - Chưa bao giờ làn sóng khởi nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh như thời gian gần đây. Đây là kết quả tích cực từ chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước trong 3 thập kỷ qua...

Ông Nguyễn Trọng Điều.


Yêu cầu tự thân của nền kinh tế

- Theo ông, vì sao gần đây có sự nhấn mạnh liên tục về vai trò và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân?


- Theo tôi, đó là một quá trình nhận thức. Cơ chế quản lý tập trung, kế hoạch hóa cũ đã bộc lộ những khiếm khuyết, hạn chế trong huy động nguồn lực xã hội cho sản xuất, kinh doanh. Đảng ta luôn mong muốn huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó có kinh tế tư nhân bởi nguồn lực phát triển trong dân là rất to lớn.

Từ Đại hội VI (1986), Đảng và Nhà nước đã bắt đầu cổ vũ, tạo thành phong trào tìm tòi sáng tạo và phát huy nhân tố mới trên thực tế. Qua đó, từng bước tổng kết, ban hành chính sách và thể chế mới, bước đầu chấp nhận kinh tế tư nhân và kinh tế thị trường. Sau đó, nhiều nghị quyết, quy định về việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành. Nhìn tổng quát, có thể thấy rõ các nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc mở đường và phát triển kinh tế tư nhân là chủ trương nhất quán, phù hợp với quy luật và yêu cầu tự thân của nền kinh tế.

- Ông có nhận xét, đánh giá thế nào về tác động của chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua; và những việc cần làm để đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống hiệu quả hơn nữa?

- Chính sách của Đảng và Nhà nước kể từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, mới nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017 là phù hợp thực tế và ý nguyện của nhân dân. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân và xác lập kinh tế thị trường đã thành xu thế không thể đảo ngược. Người dân khi đã có niềm tin thì họ sẽ mở hầu bao thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện chính sách của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết sách đó. Cộng đồng doanh nghiệp luôn ủng hộ, đồng thuận với chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động.

Những hành động từ Chính phủ thời gian vừa qua đã có những tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân tư nhân. Về phía đội ngũ doanh nhân tư nhân cũng cần chuyển động, hành động cùng Chính phủ, phải tự mình lớn lên, đi bằng chính đôi chân của mình để làm giàu cho mình, cho cộng đồng và đất nước.

- Thời gian qua, kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Theo ông, khả năng “đề kháng” để tồn tại của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế như thế nào?

- Đến nay, chúng ta có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, hợp thành kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động xã hội.

Riêng doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng nhỏ trong đóng góp cho GDP của cả khu vực kinh tế tư nhân (trên dưới 10% trong tổng số 40%). Tỷ lệ này gần đây có xu hướng giảm. Doanh nghiệp tư nhân nhìn chung có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ, quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất cập, tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi đầu tư vào nông nghiệp, khu vực chế biến, chế tạo còn nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của kinh tế tư nhân diễn ra ngày càng tăng, mức độ nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Hiện nay, nước ta ngày càng tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Liên minh Châu Âu và gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đều có yêu cầu cao hơn về thương mại tự do, thương mại công bằng, thương mại an toàn và thương mại trách nhiệm xã hội. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ thua ngay trên sân nhà.

Đẩy mạnh chức năng tư vấn, hỗ trợ

- Từ thực tế như vậy, có yếu tố nào mới xuất hiện, cần có sự đổi mới trong hoạt động của Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, thưa ông?

- Gần đây, chúng ta nói nhiều về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (4.0). Đó là kỷ nguyên công nghệ thông minh với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet, robot… rộng rãi trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, kinh tế mạng và kinh tế số đem lại sự tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp, doanh nhân.

Trước tình hình mới, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm thành công cũng như bài học thất bại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt nhấn mạnh vấn đề khởi nghiệp. Tất cả nhằm nâng cao năng lực quản trị, trình độ tiếng ngoại ngữ, công nghệ thông tin của doanh nhân thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, kể cả đào tạo từ xa qua internet. Hội cũng tập trung xây dựng văn hóa kinh doanh chung cho các doanh nhân tư nhân, trước hết là kinh doanh đúng pháp luật và giữ gìn chữ “tín”. Văn hóa kinh doanh phải được duy trì liên tục, trở thành truyền thống gắn liền với thương hiệu và trong hành vi ứng xử của người lao động. Hội kiên trì phát huy vai trò đại diện cho doanh nhân tư nhân, là cầu nối với Nhà nước để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng; giúp doanh nghiệp có cơ hội đầu tư kinh doanh với các đối tác nước ngoài…

Tuy vậy, vấn đề cần khắc phục là tính riêng rẽ đang diễn ra phổ biến trong doanh nhân, doanh nghiệp và cả các hiệp hội. Các doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần nhất quán thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia là mục tiêu hướng tới.

- Trở ngại lớn nhất đối với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam trong việc thực hiện chức năng của mình là gì?

- Đó là Hội chưa có đủ nhân lực để chủ động tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, chất lượng văn bản góp ý còn hạn chế.

Cũng cần nói thêm rằng, vẫn còn tâm lý e ngại, thiếu chủ động trong việc thực hiện chức năng của Hội với cơ quan nhà nước; chưa chủ động đề xuất ý kiến hay thúc đẩy tổ chức thực hiện đối thoại thường xuyên giữa bộ trưởng, lãnh đạo ngành và chủ tịch UBND cấp tỉnh với các doanh nghiệp theo chủ trương mới của Chính phủ.

- Để khắc phục những hạn chế tồn tại, Hội đang và sẽ đề xuất những biện pháp gì để bảo đảm quyền bình đẳng cho doanh nghiệp tư nhân?

- Theo quy định của Hiến pháp, người dân được quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì vậy, Hội đề nghị cơ quan chức năng công khai, minh bạch, trung thực trong việc công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Hội sẽ theo dõi, giám sát hoạt động của đơn vị thành viên; phối hợp với các cơ quan ban hành chính sách, phòng chống kịp thời biểu hiện quan hệ không lành mạnh giữa doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, sự can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành lợi ích nhóm.

- Thời gian tới, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam sẽ làm gì để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp; nhất là đảm nhận vai trò tư vấn, đáp ứng các “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp về công nghệ, thị trường, pháp lý, xây dựng thương hiệu, giải quyết tranh chấp, phản biện chính sách, thưa ông?


- Năm 2018, Hội sẽ tổ chức Đại hội lần thứ hai, nhiệm kỳ 2018-2023. Hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò để có tiếng nói của mình với Nhà nước, với đội ngũ doanh nhân và với xã hội. Trong đó, Hội sẽ thể hiện rõ chức năng: Giúp đỡ các thành viên nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường; bảo vệ lợi ích chính đáng và hợp pháp của doanh nhân và doanh nghiệp; là cầu nối giữa doanh nhân với Nhà nước.

Hội sẽ tranh thủ ý kiến các chuyên gia, doanh nhân có năng lực và kiến thức về công nghệ, thị trường, xây dựng thương hiệu để tư vấn cho các đơn vị. Huy động năng lực các tổ chức pháp nhân trực thuộc Hội có chức năng bồi dưỡng, đào tạo, tư vấn, tổ chức sự kiện… cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các doanh nhân tư nhân là hội viên. Xây dựng dữ liệu số của Hội và đưa Tạp chí điện tử Doanh nhân vào hoạt động, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận công nghệ 4.0, chuyển dần từ tư vấn, cung cấp dịch vụ theo phương pháp truyền thống sang hình thức điện tử, qua mạng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển kinh tế tư nhân và xác lập kinh tế thị trường là xu thế không thể đảo ngược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.