(HNM) - Mô hình kinh tế chia sẻ được hiểu là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin để tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi, mang lại lợi ích nhiều mặt cho xã hội cũng như việc khởi nghiệp. Vì vậy, mô hình này ngày càng được người dân đón nhận và sử dụng rộng rãi. Để phù hợp với sự phát triển mới, ngày 12-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
Tạo việc làm, thu nhập ổn định
Mô hình kinh tế chia sẻ vào Việt Nam từ năm 2016, khi cơ quan quản lý nhà nước cho phép thí điểm mô hình Uber - ứng dụng gọi xe công nghệ tại 5 thành phố lớn. Tiếp đó, lần lượt là Grab, Go-Việt, Bee, FastGo xuất hiện đã cung cấp các dịch vụ taxi, “xe ôm” công nghệ, giao đồ ăn... Việc này không chỉ tạo sự tiện lợi, mà còn mang đến việc làm, thu nhập và góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng, sinh hoạt của người dân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới trong lúc chờ “cuốc xe” mới trưa 4-9, anh Nguyễn Văn Đức - một tài xế xe công nghệ Grab - nhà ở phố Đê La Thành (quận Đống Đa) cho biết đã làm nhiều nghề tự do, nhưng sau khi nhập đội ngũ “xe ôm” công nghệ Grab thì thu nhập khá ổn định. “Hiện nay, nhu cầu người dân đặt mua đồ ăn nhanh rất lớn, nên tôi đăng ký vừa giao đồ ăn nhanh, vừa giao hàng. Thu nhập cũng khá, có tháng lên tới 18 triệu đồng…”, anh Đức chia sẻ.
Còn chị Cao Diệu Anh (có tài khoản Facebook Cao Dieu Anh) chuyên bán món chè khoai dẻo Minmax ở ngõ 164 phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng) cho hay: "Trước đây, khi khách hàng đặt online (trực tuyến), tôi phải tập hợp đơn hàng rồi thuê người giao cho khách. Tuy nhiên, sau khi các hãng xe công nghệ đẩy mạnh dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn, nên tôi đã ký hợp đồng với Grab cung cấp loại đồ ăn này. Nhờ vậy, việc kinh doanh cũng thuận tiện và hiệu quả hơn”.
Kinh tế chia sẻ cũng đang tạo ra nhiều cơ hội cho các cá nhân khởi nghiệp. Điển hình như trường hợp của Giám đốc điều hành dự án khởi nghiệp Net Loading - ứng dụng gọi xe chiều về (Ban Quản lý Vườn ươm công nghệ đổi mới sáng tạo Hà Nội, 185 Giảng Võ) Lê Đình Giáp. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Giáp đã cùng các cộng sự nghiên cứu viết ứng dụng Net Loading với mục đích giúp tối ưu chi phí vận chuyển, giảm phương tiện tham gia giao thông... “Đến hết tháng 8-2019, lượng chủ xe đăng ký dùng Net Loading tăng gấp 2 lần so với hồi tháng 1-2019, từ 5.000 xe lên 10.000 xe. Doanh thu tăng hơn 3 lần, từ 180 triệu đồng/tháng lên 600 triệu đồng/tháng. Chúng tôi được hưởng lợi nhuận khoảng 15%/tháng...”, anh Lê Đình Giáp khẳng định.
Không chỉ có ứng dụng gọi xe, kinh tế chia sẻ còn xuất hiện ở hàng loạt lĩnh vực khác, trong đó phải kể đến dịch vụ lưu trú mà điển hình là chia sẻ phòng ở (thương hiệu Airbnb), cho vay ngang hàng (chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ tài chính - fintech), bán lẻ, lao động việc làm... Tương tự như gọi xe công nghệ, các ứng dụng này chủ yếu do các nhà cung cấp nền tảng công nghệ nước ngoài hoạt động theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam...
Tạo thuận lợi cho kinh tế chia sẻ phát triển
Trở lại với các mô hình kinh tế chia sẻ, mà trong đó tiêu biểu là Grab. So với ban đầu chỉ là ứng dụng kết nối di chuyển, nay Grab đã có những bước đi rất xa dựa trên sự phát triển của công nghệ. Grab không chỉ làm ứng dụng gọi xe, mà còn giao nhận đồ ăn, thanh toán điện tử - trung gian thanh toán... Một số ứng dụng khác như Zalo, dù ban đầu là OTT (ứng dụng miễn phí trên mạng), nhưng đã tích hợp vừa hoạt động, vừa như một mạng xã hội, đồng thời cung cấp các ứng dụng thương mại điện tử, chính phủ điện tử, dịch vụ tin tức...
Để đáp ứng sự phát triển của các mô hình kể trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trong đó nhấn mạnh việc thực hiện thí điểm cơ chế thử nghiệm chính sách mới (sandbox) cho việc triển khai ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NextTech (doanh nghiệp cung cấp nền tảng thương mại điện tử) cho biết, đề án này là một bước ngoặt đầu tiên đánh dấu sự nhìn nhận chính thức rằng, kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh hợp pháp. Đây không chỉ là sự động viên, mà còn là cơ sở pháp lý cho hoạt động của các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ tại Việt Nam.
Đề xuất việc xây dựng chính sách, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có hành lang pháp lý, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Các ngành liên quan khi thực hiện đề án này phải đưa ra các đề xuất cụ thể để trình Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế chia sẻ bình đẳng với kinh tế truyền thống. Trong quá trình thiết kế các chính sách cụ thể, cần lưu ý việc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Vậy, nên áp dụng cơ chế thử nghiệm sandbox với những lĩnh vực nào? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, ở các lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao (tài chính - ngân hàng) cần xây dựng khung thể chế thí điểm sandbox để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, từng bước hoàn thiện công nghệ và áp dụng các yêu cầu quản lý. Ví dụ, với ví điện tử, có thể cho phép nạp tiền mặt trong giới hạn cho phép, được chi tiêu trong một thời gian nhất định và có thể cấm sử dụng vào một số mục đích, cấm trả tiền cho một số đối tượng cụ thể... Tương tự, có thể cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng với một số đối tượng hạn chế, quy mô tín dụng hạn chế nhưng được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền, nghĩa vụ các bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.