(HNMCT) - Với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn cùng những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương, không gian lòng hồ Hòa Bình đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thiên nhiên ưu đãi
Vùng lòng hồ Hòa Bình trải dài khoảng 70km, nằm giữa các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc và thành phố Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình. Trước khi xây dựng công trình thủy điện, vùng đất ngập nước này là vùng núi đá vôi. Đến nay, những dãy núi trùng điệp hùng vĩ vẫn bao bọc, tạo thành những vách ngăn tự nhiên cho hồ, đồng thời cũng trở thành không gian tạo dựng bản làng cho bà con nơi đây. Theo thống kê, có 47 đảo lớn nhỏ nằm rải rác trong vùng lòng hồ, nhiều đảo đá vôi đứng sừng sững giữa mặt nước mênh mông, những đảo đất với cây xanh tươi tốt... khiến nơi đây được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn”.
Điều hấp dẫn du khách khi đến vùng lòng hồ chính là phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ với hồ rộng núi cao, nhiều hang động tạo tác kỳ thú. Đến các điểm du lịch cộng đồng như bản Ngòi (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc), xóm Ké (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc) hay xóm Đá Bia và xóm Mó Hẻm (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc), người dân địa phương đã gắn du lịch sinh thái hồ Hòa Bình với các hoạt động khám phá thiên nhiên để mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.
Bản Ngòi (thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) nằm trong vùng lòng hồ Hòa Bình là xóm duy nhất hiện nay chưa có đường ô tô đi đến. Ốc đảo này nằm trên bờ vịnh Ngòi Hoa thơ mộng, tựa lưng vào dãy núi đá vôi. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề đánh bắt và nuôi cá trên hồ, trồng rừng với các loại cây chính là keo, bương, tre... Họ cũng trở thành những người bạn đường tin cậy của du khách trong các hành trình trải nghiệm trekking khám phá hang động karst, đi rừng đào sâm cau hay câu cá, đua bè mảng, chèo thuyền kayak...
Dù không gian mênh mông nhưng không vì thế mà cảnh quan lòng hồ Hòa Bình làm du khách cảm thấy xa lạ. Dễ dàng bắt gặp trên thủy lộ xuôi ngược là những quả đồi, núi đất giờ đã thành nương ngô, nương sắn tươi tốt; những làng bản ven hồ san sát tàu thuyền đậu bến, nhiều ngôi nhà sàn hướng mặt ra đón cơn gió mát lành từ hồ..., tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình, yên ả, hấp dẫn những du khách muốn “sống chậm”. Nhiều hoạt động như thăm các hang động đá vôi, trekking trong rừng nguyên sinh, thăm thú bản làng, chèo thuyền kayak... đã trở thành lựa chọn của những du khách ưa khám phá, hiện đã được xây dựng thành tour phục vụ du khách trong và ngoài nước.
“Mỏ vàng” du lịch cộng đồng
Ở vùng lòng hồ Hòa Bình, mỗi một xóm bản mang đến cho du khách những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, quần tụ trên khu vực hồ là không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc Mường, Tày, Dao, Thái, Kinh... trong đó nổi bật nhất là văn hóa Mường.
Tại các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu, bà con vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán và ngôn ngữ của dân tộc mình trong đời sống thường ngày. Với khung cảnh nên thơ, xóm Ké (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc) là không gian xóm bản đặc trưng vùng lòng hồ Hòa Bình. Nơi đây có hơn 90 hộ dân tộc Mường sinh sống. Các hộ dân chủ yếu làm nông nghiệp hoặc sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ. Họ luôn có ý thức giữ gìn phong tục tập quán trong từng nếp nhà sàn. Còn hơn 40 hộ dân người Mường Ao Tá (một nhánh của người Mường) sinh sống trong xóm Đá Bia (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc) rất thân thiện, mến khách đã quen đón bạn bè quốc tế. Chị Lò Thị Trang, chủ homestay Lake View cho biết, bà con trong thôn đã tổ chức được thành các tổ, nhóm, đảm nhận các dịch vụ du lịch cộng đồng khác nhau, từ vận chuyển, lưu trú, biểu diễn văn nghệ, ẩm thực, nghề thủ công cho tới các hoạt động bổ trợ phục vụ du lịch khác như tắm thác, lội suối, khám phá hang động ở các khu vực xung quanh, đạp xe hoặc đi bộ thăm bản, đốt lửa trại...
Điểm khác biệt trong hành trình khám phá du lịch vùng lòng hồ Hòa Bình là xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc) với văn hóa đặc trưng của người Dao Tiền. Theo chị Lý Sao Mai, điều phối viên Công ty Du lịch cộng đồng Đà Bắc, tại xóm, người dân vẫn giữ nguyên những ngôi nhà đất trệt lợp lá cọ truyền thống của người Dao, bảo tồn và duy trì nghề dệt truyền thống từ việc nhuộm chàm, dệt, thêu hoa văn váy, áo, in hoa văn trên váy bằng sáp ong... Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, hòa mình với thiên nhiên; tìm hiểu, khám phá cuộc sống, nét sinh hoạt văn hóa, ẩm thực, nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao.
Điểm hấp dẫn của du lịch cộng đồng vùng lòng hồ Hòa Bình, ngoài phong cảnh thiên nhiên hữu tình và văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Bắc còn là sự thân thiện, mến khách của người dân. Các gia chủ ở đây sẵn lòng đãi khách những món ăn truyền thống, sản vật vùng lòng hồ như cá hun khói, rau rừng, đồ chấm lòng cá, cùng những bí quyết nấu ăn vùng cao để làm các món thịt lợn nướng, trâu rừng, cá lòng hồ hun khói, măng chua, rượu cần... mang đậm vị núi rừng. Những buổi đón khách không thể thiếu những đêm đốt lửa cùng nhau vui văn nghệ, múa sạp, múa xòe tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước. Anh Hồ Thái Thanh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chuyến du lịch lòng hồ Hòa Bình để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là những trải nghiệm văn hóa gắn với đời sống của bà con dân tộc Mường. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại nơi này...”.
Tại các điểm du lịch cộng đồng trong khu vực lòng hồ, các địa phương đã khai thác lợi thế mặt nước, cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên và giá trị văn hóa để phát triển du lịch, tạo nên sự khác biệt cạnh tranh với các khu, điểm du lịch khác. Từ nguồn tài nguyên du lịch đầy tiềm năng ấy, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng để tỉnh Hòa Bình khai thác tiềm năng phát triển du lịch, đưa Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch của tỉnh với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước ngày một nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.