Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển giống vật nuôi: Chưa được coi trọng

Ngọc Quỳnh| 30/10/2013 06:11

(HNM) - Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng sản phẩm, nhưng hiện nay vấn đề quan trọng này chưa được coi trọng, sản phẩm không đồng đều, việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong lai tạo giống còn hạn chế…



Đây là những nhận định tại hội nghị đánh giá thực trạng, định hướng nghiên cứu và phát triển giống vật nuôi giai đoạn 2014-2020, tầm nhìn 2030 do Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa tổ chức.

Công nghệ lai tạo còn hạn chế

Cả nước hiện có 195 cơ sở sản xuất giống lợn cụ kị (GGP) và ông bà (GP) với tổng đàn nái khoảng 73,5 nghìn con, trong đó có 10 cơ sở, 4,4 nghìn lợn nái cụ kị và ông bà thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT (chiếm 5,9% đàn GGP và GP của cả nước). Đối với giống gà lông trắng, hầu như phải nhập của các công ty nước ngoài, trung bình mỗi năm cả nước nhập khoảng 2 triệu con giống. Hiện các công ty giống trên thế giới đều áp dụng công nghệ khai thác giống hình 4 tháp cấp cụ kị - ông bà - bố mẹ - thương phẩm nhưng Việt Nam nhập giống chủ yếu từ công đoạn ông bà - bố mẹ sản xuất ra con thương phẩm, năng suất chưa đáp ứng yêu cầu…

TS Ngô Thị Kim Cúc, Trưởng bộ môn di truyền giống vật nuôi (Viện Chăn nuôi) cho biết, trong những năm qua việc phát triển giống vật nuôi đã có những bước tiến, song vẫn còn nhiều bất cập. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong lai tạo giống đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho ngành chăn nuôi, nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống về giống bò. Trung bình mỗi năm bò thịt có phối giống tạo ra 1,5 triệu bê con, song mới áp dụng phối giống cho khoảng 300 nghìn bò cái, sinh sản từ 200-220 nghìn bê lai thịt (chiếm 13-14% số bê sinh ra), còn khoảng 87% không áp dụng được. Giống lợn được quản lý theo sơ đồ giống hình tháp 4 cấp theo chuỗi mới được áp dụng khoảng 5% về số lượng và 12% về sản lượng thịt. Giống gà thịt công nghiệp lông màu được quản lý theo hệ thống giống 3 cấp mới đáp ứng 10% thị trường, 2 cấp bố mẹ - thương phẩm đáp ứng 25% thị trường.

Thực tế cho thấy, hiện con giống vẫn phát triển trong tình trạng nhỏ lẻ, nhất là con giống trong dân hầu như chưa quản lý, hộ nông dân vẫn chưa biết hết giá trị của việc áp dụng ưu thế lai trong công tác giống để nâng cao hiệu quả kinh tế. Do vậy, người chăn nuôi chưa biết liên kết với nhau, phân công trách nhiệm trong thị trường theo hình tháp giống 4 cấp và 3 cấp tạo ra, thậm chí còn nhiều hộ sản xuất con giống không bảo đảm chất lượng, giống "rởm" để kiếm lời. Nông dân cũng chưa sẵn sàng cung cấp thông tin chính xác để cùng nhau điều tiết thị trường giống, "mạnh ai nấy làm", nhiều nơi còn có tình trạng sản xuất tùy hứng theo "tâm lý đám đông", hậu quả là tất cả mọi người đều bị thiệt hại. Theo Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn, việc phát triển giống vật nuôi ở nước ta còn nhiều hạn chế do cơ sở chuồng trại của nhiều trung tâm chậm được đầu tư, hệ thống chuồng nuôi cá thể và gia đình chưa đồng bộ. Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn nghèo nàn, đơn giản, chưa đáp ứng yêu cầu cho các thí nghiệm có độ chính xác cao; nguồn kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu về giống còn hạn chế...

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, cần ứng dụng công nghệ cao trong việc tạo và nhân nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng cao ra sản xuất. Đối với giống lợn, cần chọn tạo giống đặc trưng cho Việt Nam. Tiếp tục nhập khẩu đàn gà để khai thác các giống gà có năng suất cao, chọn tạo giống nội nhằm phát huy, khai thác tiềm năng tốt của gen quý, áp dụng phương pháp chọn lọc cá thể và gia đình, nâng cao hiệu quả chọn giống. Xác định các tổ hợp lai phù hợp với trình độ sản xuất trong nước và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Các cơ sở sản xuất giống cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác nghiên cứu và lai tạo giống.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, để quản lý đàn giống theo chuỗi, khai thác tốt nhất ưu thế lai, nâng cao năng suất và chất lượng đàn giống, nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, các đơn vị của Bộ NN&PTNT cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng giống, chỉ cấp chứng chỉ giống cho những cơ sở sản xuất có uy tín và công khai những cơ sở không bảo đảm chất lượng. Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về con giống, qua đó có đánh giá và áp dụng vào thực tiễn. Liên doanh liên kết với các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn vốn để phát triển và đầu tư cho đàn giống theo yêu cầu và thực tế sản xuất của Việt Nam, từng bước hạn chế nhập khẩu con giống như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển giống vật nuôi: Chưa được coi trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.