Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch phố nghề: Đánh thức nguồn "quặng quý"

Bảo Khánh| 01/06/2018 19:04

(HNM) - Theo thời gian, nhiều phố nghề sầm uất của kinh thành Thăng Long xưa đã phai dấu, chỉ còn đọng trong ký ức của nhiều người, nhưng cũng không ít phố nghề còn tồn tại cho đến ngày nay. Những phố nghề -


“Rủ nhau chơi khắp Long Thành…”

“Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai…”. Câu ca dao xưa đã khái quát về những con phố nghề truyền thống mà những người thợ tài hoa của các địa phương đã hội tụ về chốn kinh kỳ để lập nên các phường nghề. Lướt qua tên phố với chữ “Hàng” ở trước, tên nghề theo sau, người ta có thể nhận biết ngay phố ấy chuyên kinh doanh mặt hàng nào. Quả vậy, phố Hàng Đào chuyên bán các loại vải điều, tơ lụa. Phố Hàng Bông có nghề bật bông, chuyên bán màn bông, chăn đệm. Phố Hàng Mã bán đồ vàng mã. Muốn mua mâm, đỉnh, lư hương, hạc thờ... người ta tìm đến phố Hàng Đồng. Tìm mua lược sừng, lược gỗ phải đến phố Hàng Lược. Phố Mã Mây ngày nay, nguyên là tên ghép lại của hai con phố: Hàng Mã và Hàng Mây nằm giáp sông Nhị Hà, là nơi tập trung thuyền bè vận chuyển song, mây, tre, nứa. Phố Hàng Bạc vốn là phường đúc bạc cho triều đình...

Ngày nay, cùng với sự phát triển của cuộc sống và nhu cầu của thị trường, không ít phố nghề đã lặng lẽ biến mất, thậm chí cái tên cũng không còn. Có lẽ không nhiều người biết hoặc còn nhớ đến những tên phố như: Hàng Trứng, Hàng Áo, Hàng Bừa, Hàng Cau, Hàng Cuốc, Hàng Đàn, Hàng Giò, Hàng Kèn... Thay vào đó là sự xuất hiện của các ngành nghề chuyên doanh mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như: Phố Hàng Điếu chuyên bán chăn, ga, gối, đệm; phố Hàng Mắm chuyên khắc bia mộ, đồ sành; phố Hàng Quạt chuyên đồ thờ cúng; phố Hàng Bồ chuyên bán thiết bị, phụ kiện may mặc; phố Hàng Buồm chuyên bán bánh kẹo...

Đặc trưng nổi bật của khu phố cổ Hà Nội là mỗi phố nghề lại có một đình, đền thờ tổ nghề hoặc thờ vị thành hoàng làng nguyên quán của địa phương ấy. Ngoài ra còn có một số hội quán do cộng đồng người Hoa đến sinh sống, buôn bán lập nên như: Hội quán Quảng Đông, Hội quán Phúc Kiến. Cùng với đó là rất nhiều chùa chiền, miếu mạo, di tích, khu phố, nhà cổ... đánh dấu lịch sử hình thành, phát triển của kinh thành Thăng Long xưa.

Gắn kết để phát triển

Đặc trưng của các phố nghề gắn với những công trình di tích đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho khu phố cổ Hà Nội ít nơi nào có được. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch, tạo nên những sản phẩm, trải nghiệm độc đáo dành cho du khách. Không ít du khách và tạp chí nước ngoài đã nhận xét rằng, Hà Nội là một “đô thị kỳ lạ” bởi các phố “Hàng” gắn với các di tích lịch sử và các làng nghề. Thủ đô Hà Nội là nơi tập trung làng nghề nhiều nhất cả nước (1.350/5.400 làng nghề), trong đó khu phố cổ là “vùng lõi” hội tụ tinh hoa của các làng nghề, với mật độ phân bố dày đặc nhất. Chính những yếu tố văn hóa dân gian bản địa của nghề thủ công truyền thống được các thế hệ làm nghề trong phố cổ bảo tồn cho đến ngày nay, cộng hưởng với các công trình di tích đã tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch phố nghề.

Điển hình nhất trong sản phẩm du lịch phố nghề ở Hà Nội là phố Hàng Bạc với nghề chế tác kim hoàn cùng điểm đến không thể bỏ qua là đình Kim Ngân. Đây là nơi thờ ông tổ bách nghệ Hiên Viên, được xây dựng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Người có công xây dựng nên ngôi đình là quan Thượng thư bộ Lại Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Được nhà vua tín nhiệm giao quản lý việc đúc bạc nén phục vụ triều đình, ông đã đưa những người thợ tài hoa nhất làng Châu Khê ra kinh thành Thăng Long sinh sống, lập nghiệp. Qua nhiều thế kỷ, phần lớn các gia đình hiện làm nghề chế tác vàng bạc truyền thống trên phố Hàng Bạc đều là hậu duệ của những người thợ tài hoa đất Châu Khê xưa.

Thăm đình Kim Ngân, du khách không chỉ được ngắm nhìn những kiến trúc cổ độc đáo được bảo tồn nguyên vẹn mà còn tìm thấy ở đây những câu chuyện lịch sử, sự phát triển của làng nghề - phố nghề. Đình Kim Ngân còn là nơi thờ tổ nghề của làng nghề chạm bạc Định Công (Hà Nội) và các làng nghề khác. Mỗi dịp giỗ tổ nghề, những người thợ kim hoàn của làng Châu Khê, Định Công lại tụ hội về đây để cùng ôn lại truyền thống. Nghệ nhân Vũ Hữu Sa của làng nghề Châu Khê bày tỏ: “Những người con Châu Khê chúng tôi rất vui vì người dân phố Hàng Bạc đến nay vẫn gìn giữ được nghề kim hoàn truyền thống cùng nơi thờ tổ nghề tại Thủ đô. Chúng tôi mong ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến sự hình thành, phát triển nghề kim hoàn của Việt Nam thông qua sự gắn kết tour du lịch phố Hàng Bạc - đình Kim Ngân của Hà Nội với làng nghề kim hoàn Châu Khê của Hải Dương”.

Đồng quan điểm, bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, việc phát triển sản phẩm du lịch phố nghề là một trong những hướng ưu tiên của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và quận Hoàn Kiếm nhiều năm qua. Không chỉ phố Hàng Bạc mà các phố nghề khác như Lãn Ông, Hàng Thiếc, Hàng Gai, Hàng Vải, Hàng Bồ... sẽ được quan tâm, đầu tư để phát triển du lịch theo chiều sâu. Cùng với đó, mô hình gắn kết phố nghề tại Hà Nội với các làng nghề nguyên gốc tại các địa phương cũng sẽ là hành trình tham quan hấp dẫn, mới mẻ đối với du khách, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích và giá trị văn hóa truyền thống để tạo nên thương hiệu cho du lịch Thủ đô.

Box: Theo thống kê của UBND quận Hoàn Kiếm, khu vực phố cổ Hà Nội hiện có 121 công trình, di tích đền, chùa, miếu và hơn 1.000 công trình nhà ở có giá trị, trong đó có hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt, tiêu biểu như: Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), đình Kim Ngân (40 - 42 Hàng Bạc)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch phố nghề: Đánh thức nguồn "quặng quý"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.