(HNMCT) - Là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ban tặng điều kiện khí hậu thuận lợi cùng cấu tạo địa hình, địa chất làm nên những miệt vườn bốn mùa xanh tươi cây trái, Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, nhưng cũng chính vì vậy sự trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương là điều không tránh khỏi. Để bứt phá khỏi “cái bóng” ấy, các tỉnh trong vùng đã, đang xây dựng nên những sản phẩm mang tính khác biệt đầy hấp dẫn.
Xây dựng sản phẩm khác biệt
Ông Phạm Thế Triều, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) An Giang từng ngậm ngùi: “Các phương tiện thông tin đại chúng cứ nói rằng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long na ná, trùng lặp nhau. Nói như vậy là không công bằng với một vùng du lịch non trẻ như Đồng bằng sông Cửu Long bởi mỗi địa phương đều có những nét đặc sắc riêng. Thời gian qua, các tỉnh, thành trong khu vực đã và đang tìm cách khẳng định mình thông qua những sản phẩm khác biệt, đặc thù và hấp dẫn”.
Sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chạy xung quanh, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi với hàng trăm cù lao lớn nhỏ để phát triển dòng sản phẩm du lịch sinh thái miệt vườn. Nhưng vài năm trở lại đây, Cần Thơ đã tìm cách khai thác, phát triển những sản phẩm mới mang tính chuyên biệt như: Du lịch đường sông, du lịch MICE và du lịch văn hóa, trong đó du lịch đường sông đang trở thành thương hiệu hấp dẫn nhất. Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Sở VHTTDL Cần Thơ, tour du lịch được du khách yêu thích nhất là Bến Ninh Kiều - Chợ nổi Cái Răng - Khu du lịch Mỹ Khánh - Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Và mới đây, Cần Thơ đã lọt vào danh sách 15 thành phố kênh đào đẹp nhất thế giới do Getty Images (kho ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới) bình chọn, bên cạnh những thành phố nổi tiếng như: Venice (Ý), Amsterdam (Hà Lan), St. Petersburg (Nga), Birmingham (Anh)...
Nhắc đến An Giang, người ta nghĩ ngay đến dòng sản phẩm du lịch tâm linh với Khu du lịch Núi Sam - nơi có di tích và lễ hội vía Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu... đón hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm. Lễ hội vía Miếu Bà Chúa Xứ cũng được coi là lễ hội lớn nhất, có ý nghĩa tâm linh quan trọng nhất đối với người dân các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Cùng với đó là Khu du lịch Núi Cấm trên dãy Thất Sơn huyền bí, được mệnh danh là “tiểu Đà Lạt” bởi cảnh đẹp nên thơ với suối Thanh Long, hồ Thủy Liêm, chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh. Đặc biệt, gần đây, hình ảnh du lịch An Giang cũng nổi lên một cách ấn tượng với rừng tràm Trà Sư - “mái nhà” của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, có tên trong "sách đỏ” của Việt Nam và thế giới.
Đến Bạc Liêu, du khách được “tắm” trong những giai điệu đờn ca tài tử da diết, mộc mạc, được tìm hiểu về Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại độc đáo này tại Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thưởng thức nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu - có kiến trúc độc đáo mang hình 3 chiếc nón lá đại diện cho hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Không chỉ khẳng định bằng dòng sản phẩm du lịch văn hóa, Bạc Liêu đang trở thành điểm đến nổi tiếng với “cánh đồng điện gió” lớn nhất Việt Nam. Với lượng khách ngày một tăng nhanh, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến đại diện cho du lịch Bạc Liêu trong tương lai.
Làm sao để tạo sức hút?
Tiềm năng là thế, nhưng bao năm qua du lịch Đồng bằng sông Cửu Long luôn bị đánh giá là tụt hậu, kém phát triển nhất trong 7 vùng du lịch của cả nước. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống lưu trú, chất lượng nguồn nhân lực và tư duy, định hướng phát triển du lịch muộn là những yếu tố “kéo lùi” sự phát triển du lịch vùng. Ông Tạ Hữu Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời Việt Nam (Sunvina Travel) cho rằng, hệ thống lưu trú phản ánh rõ nét sự phát triển về kinh tế - xã hội cũng như du lịch của địa phương và điểm đến. Trong khi đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch thế giới cũng như đời sống của người dân ngày càng được nâng lên thì yêu cầu về chất lượng khách sạn của khách du lịch rất cao. “Hơn nữa, hầu như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa biết cách lấy tiền của du khách. Tôi đi vài tỉnh, thành mà không có cơ hội tiêu tiền bởi hầu như không có dịch vụ vui chơi giải trí cho du khách, đặc biệt vào buổi tối. Sản phẩm lưu niệm đặc trưng cũng không có gì nổi bật...”, ông Chiến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APT Travel), một yếu tố khác tạo nên sức hút cho điểm đến chính là sản phẩm. “Bên cạnh việc duy trì những sản phẩm cũ đã làm nên thương hiệu, cần xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách đến. Có sản phẩm tốt, đó là cơ hội, nhưng phải tăng cường công tác truyền thông, quảng bá bằng cách tranh thủ tối đa sự phát triển của công nghệ 4.0 để có những hình thức tiếp cận mới tới du khách. Thực tế cho thấy, cách bán hàng kiểu truyền thống hiện đang “lép vế” trước công nghệ và mạng xã hội. Du khách đi du lịch tự túc ngày càng tăng, vì thế, truyền thông và bán hàng trên kênh mạng xã hội với chi phí thấp nhưng mang lại lợi nhuận cao đang ngày càng được các công ty lữ hành, du lịch ưa chuộng. Các địa phương phải nắm bắt xu hướng này để có cách quảng bá phù hợp, hiệu quả”, ông Đài nói.
Với mong muốn để du khách biết đến các sản phẩm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long nhiều hơn, từ 29-11 đến 1-12-2019, lần đầu tiên Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM - Cần Thơ 2019 sẽ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Hội chợ lần này dự kiến thu hút gần 300 doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành trong và ngoài nước tham gia bán sản phẩm, đẩy mạnh liên kết và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Qua “sân chơi” này, các địa phương trong vùng sẽ có dịp “khoe” những sản phẩm mới và thế mạnh của mình để từ đó thu hút khách đến Đồng bằng sông Cửu Long ngày một nhiều hơn. Hy vọng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ sớm thoát khỏi “cái bóng” của sự trùng lặp sản phẩm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.