(HNM) - Các tổ chức tín dụng vừa sở hữu trái phiếu, vừa phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời là kênh vốn quan trọng cho nhà đầu tư vay mua trái phiếu. Việc thiếu cân đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn tiềm ẩn rủi ro đối với tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Điều đó đặt ra yêu cầu phải phát triển đồng bộ, có cơ cấu hợp lý giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Khi tổ chức tín dụng là nhà đầu tư trái phiếu
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trên thị trường vốn, các tổ chức tín dụng hiện là nhà đầu tư trái phiếu chính phủ lớn thứ hai, với tổng quy mô nắm giữ khoảng 793.000 tỷ đồng, chiếm 41,86% tổng giá trị trái phiếu chính phủ đang được giao dịch trên thị trường. Mặc dù việc đầu tư, nắm giữ trái phiếu chính phủ hầu như không phát sinh rủi ro tín dụng, nhưng do huy động tiền gửi của hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, trong khi trái phiếu chính phủ lại có kỳ hạn dài nên cũng tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp, dưới góc độ là nhà đầu tư, đã có 41 tổ chức tín dụng tham gia với tổng dư nợ 274.000 tỷ đồng, chiếm 2,63% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống. Ngân hàng Nhà nước luôn kiểm soát rất chặt chẽ việc tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, góp vốn, tăng quy mô vốn hoạt động...
Với vai trò là nhà phát hành khi tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu được coi là kênh huy động vốn trung, dài hạn, giúp tổ chức tín dụng cân đối vốn để cho vay đối với doanh nghiệp và người dân thuận lợi hơn. Tổ chức tín dụng cũng có thể tăng vốn, tăng năng lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn. Trên thực tế, tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2021, trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành chiếm 36,18% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường. Theo số liệu mới nhất, có 29 tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu với dư nợ khoảng 427.000 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng vốn huy động nền kinh tế. Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán, với dư nợ chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay). Việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank tuân thủ chặt chẽ các quy định, được quản trị với cùng chuẩn mực như hoạt động cho vay, kiểm soát dòng tiền sử dụng đúng mục đích.
Tăng cường giám sát, hoàn thiện hành lang pháp lý
Trên thực tế, khi các tổ chức tín dụng tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc phải tuân thủ các quy định về lĩnh vực chứng khoán, còn phải tuân thủ các quy định trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung, dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% tổng sản phẩm nội địa). Thực trạng này tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng gia tăng mua, nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng khả năng phân tích, đánh giá và quản trị rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín. Bên cạnh đó, chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp chuyên biệt nên khi phát sinh nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp, nhà đầu tư và nhà phát hành phải chào mua, chào bán tới từng tổ chức, cá nhân.
“Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính (trái phiếu, cổ phiếu, chứng khoán phái sinh...) theo hướng tập trung hiện đại hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn, giảm áp lực đối với hệ thống các tổ chức tín dụng”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành có giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, giám sát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ sở hạ tầng để phát triển thị trường vốn; làm rõ quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường như cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, công ty chứng khoán…
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, ổn định mặt bằng lãi suất để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đặt quyết tâm lành mạnh hóa thị trường vốn, bảo vệ các nhà đầu tư chân chính.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.