(HNM) - Chiều 29-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020 và Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 đã chủ trì phiên họp toàn thể của Ủy ban và Hội đồng. Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban, Hội đồng và các thành viên trong Ủy ban, Hội đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020. Phiên họp đã bàn những giải pháp nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 29-NQ/TƯ năm 2013 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng gắn liền với bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm huyết, sâu sắc của các thành viên Ủy ban và Hội đồng. Nhấn mạnh đến chủ trương xây dựng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu cao nhất của phát triển kinh tế - xã hội là phục vụ người dân ngày một tốt hơn, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Tán thành với quan điểm của các đại biểu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục và đào tạo, Thủ tướng lưu ý đến việc xóa mù trong sử dụng công nghệ, đó cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, công dân toàn cầu. Thủ tướng cũng tán thành quan điểm giáo dục suốt đời, kể cả người lớn để chống sự trì trệ, tư tưởng kém sáng tạo, kém năng động trong công việc.
Nhấn mạnh việc phát triển đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định trong đổi mới giáo dục, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm; trong đó, chú ý chất lượng đào tạo giáo viên, kể cả đầu vào, chính sách chế độ cho giáo viên và tăng cường truyền thống tôn vinh người thầy theo văn hóa “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam. Cùng với đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng bồi dưỡng đào tạo giáo viên định kỳ, tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp thu cái mới, nâng cao chất lượng giáo viên.
Về việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tổ chức chặt chẽ hơn; không hạ chất lượng các tiêu chí; đồng thời nâng cao chất lượng cả ứng cử viên, lẫn thành viên hội đồng thẩm định và phải bảo đảm tính minh bạch, công khai với xu hướng cải tiến lộ trình nhanh hơn, tốt hơn phù hợp với xu thế quốc tế.
Liên quan đến tự chủ đại học, Thủ tướng nhấn mạnh đây là hướng đi quan trọng bởi sau khi các trường tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn quản lý nhà nước về quy hoạch, khảo thí và những vấn đề khác về chất lượng, thanh tra giáo dục. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất để có cách hiểu và chỉ đạo thống nhất vấn đề này với tinh thần hướng tới tiếp cận mới; áp dụng tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam. Trước hết là chọn một số trường đại học tự chủ với số lượng cần thiết thay vì 3-4 trường như hiện nay, để từ đó rút ra kết luận và nhân rộng mô hình. Thủ tướng cũng tán thành với các đại biểu về việc tự chủ về học thuật, về tổ chức, về tài chính… và nhấn mạnh: “Tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.