(HNMCT) - Phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là đòi hỏi của thời đại nhưng với Hà Nội, để thực hiện thành công thì phải vượt qua rất nhiều thách thức. Hànộimới Cuối tuần trích đăng một số ý kiến đóng góp của các nghệ sĩ xung quanh vấn đề này.
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam:
Tìm giải pháp phù hợp, hiệu quả
Nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam có tiềm năng khá tốt. Trong đó, tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng, có khả năng tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin, thúc đẩy một thế hệ mới những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Cùng với đó là sự phát triển một thế hệ mới các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại, hiểu biết về kỹ thuật số, có ý thức về thiết kế, cởi mở và có tinh thần doanh nghiệp. Thứ ba là sự phát triển, mở rộng các khu đô thị và vùng sáng tạo để định vị văn hóa và sáng tạo như các thành tố then chốt của các thành phố lớn.
Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Đầu tiên là vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện. Những thiếu sót trong hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ thành quả sáng tạo. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn loay hoay trước khó khăn do thiếu các quy định pháp luật riêng phù hợp, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Sở hữu trí tuệ làm cơ sở quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền.
Bên cạnh đó, trong xu hướng toàn cầu hóa, công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa... Chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành còn chưa cao, thiếu các sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia mang chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế. Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Mặt khác, ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa...
Vì vậy, để có được giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đồng thời góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, các cơ quan chức năng, mỗi đơn vị nghệ thuật cần tìm giải pháp phù hợp và có hiệu quả.
Nhạc sĩ Quốc Trung:
Đánh giá khách quan để lựa chọn mô hình phát triển đúng
Thời gian gần đây, chúng ta thường nhắc tới công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, nhưng dường như với các thành phần tham gia nền công nghiệp này thì khái niệm cũng như định hướng về nó còn rất mơ hồ. Để xây dựng, quy hoạch, định hướng phát triển cũng như quản lý một lĩnh vực mà chúng ta cho nó là một nền công nghiệp, nhất là một nền công nghiệp có khái niệm tương đối mới thì việc định nghĩa nó là gì, đánh giá hiện trạng và tiềm năng ra sao là việc quan trọng đầu tiên.
Đánh giá hiện trạng công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo cần một cái nhìn khách quan, sự hiểu biết và mối liên kết với các nền công nghiệp văn hóa phát triển khác, tránh việc tô hồng hoặc cái nhìn có phần không thực tế về tiềm năng phát triển. Bề dày văn hóa là cơ sở và bệ phóng cho phát triển chứ không phải là minh chứng về một nền công nghiệp văn hóa phát triển.
Đánh giá thiếu khách quan sẽ dẫn tới việc định hình, định nghĩa về công nghiệp văn hóa sai lệch, từ đó xây dựng kế hoạch thiếu tầm nhìn. Từ việc đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng sẽ dẫn tới việc lựa chọn mô hình phát triển tập trung, tránh dàn trải hay lãng phí ngân sách. Cần tập trung vào các yếu tố mũi nhọn dựa trên đặc thù, đặc trưng của văn hóa truyền thống và thế mạnh của thành phố.
Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) và Hòa nhạc cổ điển Hà Nội Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert) với sự tham gia của Dàn nhạc giao hưởng London - một trong những dàn nhạc giao hưởng danh giá nhất thế giới, tôi nhận thấy chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, đồng thời thiếu những không gian văn hóa mang tính tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng.
Hà Nội là nơi có tinh thần cởi mở hơn trong cả nước, nhưng chừng đó chưa đủ để chúng ta xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố văn hóa tiêu biểu không chỉ ở phạm vi trong nước. Chúng ta cần xây dựng Thủ đô Hà Nội thành một trung tâm văn hóa tiên tiến, đi đầu trong cả nước, xứng với truyền thống và tiềm năng sẵn có.
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam:
Khó khăn nhất là bài toán khán giả
Phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tạo ra cách nhìn nhận, đánh giá, cách thưởng thức mới của công chúng đối với nghệ thuật biểu diễn. Các loại hình nghệ thuật cũng phải chuyển mình, nâng cao cách tiếp cận với công chúng, đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng, thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài trong nhiều năm qua nhưng chúng ta chưa có cách giải quyết tốt. Khán giả quyết định thành công hay thất bại của nghệ thuật biểu diễn nhưng khán giả hiện đại phần đông chưa bao giờ đến rạp hát, đây là thách thức không nhỏ đối với sân khấu hôm nay.
So với cả nước, Hà Nội đã cố gắng cải thiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện biểu diễn, tuy nhiên đối với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng, sự đầu tư đó chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp Thủ đô, chưa theo kịp được sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Các nhà hát chưa hiện đại, công năng sử dụng không hợp lý, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ. Nội dung nghệ thuật truyền tải đến người xem nhất thiết phải có sự hỗ trợ của phương tiện âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, đạo cụ, trang phục trong khi các thiết bị được đầu tư mang tính manh mún. Đó là khó khăn cần phải vượt qua để phát triển công nghiệp văn hóa nói chung.
Có thể nói, phát triển công nghiệp văn hóa - nghệ thuật ở Thủ đô là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, cơ cấu các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn Hà Nội để có môi trường phát triển lành mạnh và công bằng. Phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương xứng. Đặc biệt hơn, là phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và cả khán giả mang tầm trí thức thời đại mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.