Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp văn hóa: Cơ hội cho làng nghề Hà Nội

Nguyễn Thanh| 08/04/2023 06:11

(HNM) - Là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa dân tộc, từ xa xưa Thăng Long - Hà Nội đã nức tiếng với “bách nghệ kinh đô”, có xuất xứ từ muôn phương nhưng đã được nâng tầm tinh xảo trong thị trường lớn và khó tính nhất nước. Đến khi hợp nhất với “đất trăm nghề” Hà Tây, kho báu nghề truyền thống Hà Nội càng thêm giàu có, trở thành một trong sáu ngành mũi nhọn cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Ở một góc nhìn khác, đây chính là cơ hội để làng nghề Hà Nội chuyển mình, vươn tới những thành tựu mới từ “nhịp cầu” công nghiệp văn hóa.

Du khách tham quan làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên). Ảnh TTXVN

Nhận diện nguồn lực nghề truyền thống

Được xác định là một trong những nguồn tài nguyên văn hóa nổi bật của Thủ đô, sau kiểm kê, nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội ghi nhận 1.350 “địa chỉ” với đa dạng ngành nghề, chủng loại, chất liệu sản phẩm, từ sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa… đến mây tre đan, gốm sứ. Không chỉ sở hữu nhiều làng nghề có tuổi đời từ hàng trăm đến ngót nghét nghìn năm, Hà Nội còn có hàng trăm làng nghề mà danh tiếng vượt ra ngoài lãnh thổ, có sản phẩm tinh xảo được nhiều quốc gia ưa chuộng, hay trở thành điểm du lịch văn hóa tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước tới tham quan, trải nghiệm, tiêu biểu như: Gốm sứ Bát Tràng; mây tre đan Phú Vinh; sơn mài Hạ Thái; lụa Vạn Phúc; khảm trai Chuôn Ngọ...

Thống kê từ Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt từ hơn 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt hơn 50 tỷ đồng/năm… Một số làng nghề có doanh thu nổi bật, như: Điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; đồ mộc Hữu Bằng đạt gần 1.000 tỷ đồng… đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh nhận xét: Hà Nội sở hữu số làng nghề lớn nhất nước, là cơ sở cho nhiều ngành nghề dịch vụ: Vận tải, cung cấp nguyên vật liệu, kinh doanh hàng quán… phát triển, cũng như cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động. “Không chỉ mang trong mình “tính độc đáo của muôn nghề”, làng nghề Hà Nội còn sở hữu bề dày lịch sử - văn hóa cùng cảnh quan đặc sắc, là điều kiện thuận lợi để mở mang du lịch, góp phần quảng bá tinh hoa làng nghề, tạo thêm nguồn thu cho địa phương”, bà Hà Thị Vinh nói.

Bên cạnh những thế mạnh, làng nghề truyền thống của Hà Nội cũng tiểm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đã và đang là trở ngại không nhỏ trên hành trình hội nhập và phát triển. Có thể kể đến việc thiếu chiến lược, kế hoạch để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ; thiếu chủ động trong mở rộng thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ, thiếu liên kết giữa nghệ nhân với hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành với làng nghề; sản phẩm làng nghề chưa giàu bản sắc và thiếu tính độc đáo… Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính, hạn chế lớn nhất ở làng nghề là chất lượng nguồn lao động chưa cao, ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ, chưa hình thành tác phong sản xuất công nghiệp. Mặt khác, ở lớp nghệ nhân, thợ giỏi lại chưa ý thức được tầm quan trọng của đăng ký thương hiệu, dẫn đến việc bị thương lái lợi dụng làm giả mẫu mã, hạ giá thành, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất sau này.

Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang 

Sẵn sàng hành trang cho công nghiệp văn hóa

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 22-2-2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định một trong sáu lĩnh vực ưu tiên đầu tư, phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính là ngành nghề thủ công mỹ nghệ. Với vai trò “chiếc nôi” hình thành, phát triển, làng nghề truyền thống thực sự đang đứng trước cơ hội vàng, nếu biết tận dụng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh từ nguồn lực văn hóa, con người. Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, các làng nghề cần chú trọng tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải tiến mẫu mã sản phẩm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trên nền tảng tri thức dân gian, phát triển thủ công mỹ nghệ gắn với khai thác du lịch làng nghề. “Cần đa dạng các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, thực hành nghề, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn nhân lực ổn định và lâu dài cho các làng nghề. Tăng cường kết nối xây dựng tour tuyến tham quan có chất lượng, để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động và hút khách”, bà Từ Thị Loan nêu.

Từ kinh nghiệm làng nghề, nghệ nhân Đỗ Trọng Đoàn (làng nghề sơn mài Hạ Thái) cho rằng, bên cạnh trau dồi bí quyết, kỹ năng, các làng nghề cần bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, quản lý kinh tế, phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, dây chuyền và tổ chức tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề thông qua nhiều hình thức tiếp thị sản phẩm, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày triển lãm sản phẩm tinh xảo, đỉnh cao…

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà, chính quyền các cấp cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các làng nghề thủ công phát triển, như vốn vay ưu đãi, nguyên liệu sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tạo đầu ra cho sản phẩm… Tăng cường giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong gìn giữ, phát huy tri thức nghề truyền thống; có kế hoạch, chiến lược trong nắm bắt thị hiếu để cải tiến kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm tạo sức hấp dẫn với thị trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp văn hóa: Cơ hội cho làng nghề Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.