Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính sách chưa phù hợp

Thùy Linh| 30/01/2015 06:57

(HNM) - Nhiều tập đoàn lớn của thế giới đã và đang lựa chọn tới đầu tư tại Việt Nam, thế nhưng rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng linh kiện, nguyên liệu, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia nhận định


DN nội địa vẫn "đứng bên lề"

"Trong 3 tháng qua chúng tôi đã khảo sát năng lực các hội viên ngành cao su tham gia CNHT cho 2 ngành ô tô xe máy và điện tử cho thấy 90% không đáp ứng được về công nghệ; 90% không thỏa mãn giá khách hàng đưa ra; 90% không đáp ứng được về quản trị DN", ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TP Hồ Chí Minh cho biết. Chính vì thực trạng này nên khi đầu tư vào Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) thường kéo theo cả chuỗi cung ứng CNHT. Chẳng hạn, Honda kéo Inoue cung ứng lốp, NOK cung ứng cao su kỹ thuật, GS cung ứng bình ắc quy, SYM kéo theo Kenda, Tuico… Chính vì vậy tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm rất ít. Đáng lo hơn, có những sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao như ngành xe máy tỷ lệ nội địa lên đến 70% nhưng trên thực tế thì hơn 50% trong đó lại mua từ các DN phụ trợ có vốn đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan…

Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam.



Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thì ngành CNHT Việt Nam vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai và manh mún. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của Khu công nghệ cao chỉ đạt khoảng 20%. Trong gần 100 nhà cung cấp cho Công ty Intel Việt Nam hiện nay thì chỉ có 18 DN trong nước. Dù Intel luôn tìm kiếm nhà cung cấp nội địa nhưng hiện tỷ lệ nội địa hóa chỉ mới đạt khoảng 10%, lại chỉ là những phụ kiện gián tiếp như bao bì, bàn cho kỹ sư, xe đẩy, đồ gá... Công ty Datalogic Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị đọc mã vạch xuất khẩu cũng chỉ có tỷ lệ nội địa khoảng 4%, chủ yếu là bao bì đóng gói, linh kiện nhựa đơn giản.

Theo bà Loan, kinh nghiệm hoạt động gần 8 năm của Intel Việt Nam cho thấy, việc tìm kiếm nhà cung ứng CNHT cho ngành công nghệ cao là một thách thức không hề nhỏ. Khi Samsung đầu tư vào TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý đã thương lượng với Samsung là sau 3 năm hoạt động công ty này sẽ tiến hành hỗ trợ chuyển giao công nghệ về CNHT từ DN FDI sang DN trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 35%. Samsung cho biết sẽ cần khoảng 200 nhà cung cấp nhưng để đặt được chân vào chuỗi cung ứng của Samsung thì không dễ cho DN nội địa ở thời điểm này. Vừa qua Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã cùng Samsung tổ chức tìm nhà cung ứng và đã chọn được 45 DN tham gia nhưng trong đó chỉ có 16 DN trong nước, còn lại là DN FDI. Vì vậy, theo bà Loan, khi dự án tổ hợp của Samsung đi vào hoạt động vào năm 2016, nếu không chuẩn bị sẵn sàng thì các DN Việt Nam vẫn sẽ… đứng bên lề.

Cần ban hành ngay danh mục sản phẩm CNHT

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá ngành CNHT dù đã hình thành và phát triển rất lâu nhưng hiện còn thiếu và yếu. Nguyên nhân chính được nhiều chuyên gia nhận định là chính sách khuyến khích phát triển CNHT hiện nay không trực tiếp và chưa sát với đặc thù lĩnh vực CNHT. Các chính sách này không có ưu đãi hơn so với các chính sách hiện hành áp dụng chung cho các ngành khác. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ này cũng rất khó khăn do nhiều bất cập. Chẳng hạn, về giải pháp tín dụng, thành phố đã có Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và 38/2013/QĐ-UBND hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo và CNHT nhưng theo ông Nguyễn Quốc Anh, DN Việt Nam chưa tiếp cận được những hỗ trợ này vì quá nhiều thủ tục.

Theo TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, thành phố cần phải xác định sản phẩm công nghiệp chính là gì để ưu tiên CNHT. Thành phố đã xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhưng như vậy là quá rộng, cần phải xác định cụ thể hơn đến cấp độ sản phẩm. Khi đã xác định sản phẩm CNHT là gì và đặt chúng ở đâu thì sẽ dễ dàng hơn để hỗ trợ về đất đai và hạ tầng để sản phẩm CNHT phát triển.

Theo ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tổng hợp bổ sung các kiến nghị của DN vào văn kiện của Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy thành phố cũng chỉ đạo UBND thành phố nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND và nhanh chóng xây dựng chương trình kích cầu thông qua đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp cũng như CNHT theo hướng cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi quy trình để hỗ trợ tối đa cho DN phát triển sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chính sách chưa phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.