Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển cây trồng theo định hướng

Bắc Vũ| 09/03/2023 06:04

(HNM) - Lâu nay, tình trạng “được mùa, mất giá” luôn là nỗi ám ảnh của người nông dân khi nguồn cung nông sản vượt quá nhu cầu thực. Và một lần nữa, vấn đề này lại rộ lên khi một số cây trồng như sầu riêng, chanh leo, cam sành… có hiện tượng phát triển “nóng” ở một số địa phương. Thực tế này là điều đáng suy ngẫm về một vấn đề lớn là quy hoạch và định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước hết là cây sầu riêng. Thực tế cho thấy, kể từ khi quả sầu riêng của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (từ tháng 7-2022), sản lượng loại quả này tăng nhanh, giá cao đã giúp nông dân có thu nhập tốt. Khi trái sầu riêng “lên hương” đã kéo theo hiện tượng ồ ạt mở rộng diện tích cây trồng này ở một số địa phương có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp. Với nỗi lo thường thấy, nhiều người ví von, nhiều “sầu riêng” có thể thành “sầu chung”…

Cùng với cây sầu riêng, gần đây có cây chanh leo, cam sành và một số cây trồng khác cũng mở rộng diện tích canh tác một cách thiếu kiểm soát...

Để phát triển hiệu quả, bền vững cây trồng, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần căn cứ các quy hoạch, định hướng liên quan, đặc biệt là Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27-10-2022 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, tập trung rà soát diện tích các loại cây trồng, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Song song, cần khẩn trương thực hiện Quyết định số 470/QĐ-BNN-TT ngày 7-2-2023 của Bộ NN&PTNT về kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Theo đó, các địa phương cần có kế hoạch định hướng rõ các vùng lợi thế, vùng phù hợp đối với các cây trồng chuyển đổi.

Cũng cần lưu ý, trong quá trình phát triển cây trồng, người nông dân cần căn cứ theo định hướng thị trường và hướng dẫn của các cơ quan quản lý. Thay vì tăng diện tích, sản lượng, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình từ khi canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Ở góc độ các doanh nghiệp, cần tích cực hỗ trợ và liên kết với nông dân trong việc tổ chức sản xuất cây trồng, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Đặc biệt, cần phối hợp với cơ quan chức năng phổ biến quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.

Hơn hết, người nông dân tuyệt đối không chạy theo cây trái có giá cao “nhất thời” và trồng cây kiểu “đi tắt đón đầu” với nhiều rủi ro đón đợi. Sản xuất nông nghiệp phải theo quy hoạch, định hướng, từ đó mới bảo đảm quyền lợi người nông dân và cân đối thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển cây trồng theo định hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.