Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển các phương thức bán lẻ mới

Lam Giang| 25/02/2023 07:35

(HNM) - Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển các phương thức bán lẻ mới, hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thương mại… Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về một số giải pháp phát triển bền vững thị trường trong nước, hướng tới mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% trong năm 2023.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Big C Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Vĩnh Hà

- Thời gian qua, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường được triển khai hiệu quả. Kết quả đó có được do đâu, thưa ông?

- Trong hoạt động tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tổ chức kết nối cơ sở sản xuất với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối. Mặt khác, mạng lưới phân phối hàng hóa được thiết lập ổn định, chặt chẽ, nhờ đó sức tiêu thụ của thị trường trong nước tiếp tục được đẩy mạnh.

Đến nay thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2022 tăng khoảng 19,8% so với năm 2021. Các giải pháp điều tiết, kết nối cung cầu, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường đã phục vụ tốt đời sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

- Xin ông cho biết, năm 2023, Bộ Công Thương đặt ra những mục tiêu cụ thể nào cho phát triển thị trường trong nước?

- Bộ Công Thương đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8-9%. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa và lưu thông trên thị trường, từ đó kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

- Vậy Bộ Công Thương có giải pháp ra sao để đạt tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8-9%, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng, phát triển bền vững thị trường trong nước?

- Trước hết, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, Bộ triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước.

Chúng tôi cũng sẽ đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường. Mặt khác, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề, các hộ nông dân, hợp tác xã… xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu các chuỗi phân phối, bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển đồng bộ, hài hòa giữa hình thức hiện đại và truyền thống; đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực cho phát triển thương mại và đầu tư phát triển hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, Bộ chú trọng phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh, bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội… để đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng. Ưu tiên phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số; khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để phát triển thương mại bền vững, Bộ khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở phân phối...

- Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Công Thương có những kiến nghị gì?

- Để thực hiện tốt những mục tiêu này, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt tờ trình của Bộ Công Thương về việc thông qua Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí để thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các phương thức bán lẻ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.