(HNM) - Đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có cơ chế ưu tiên phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp… là những giải pháp trọng tâm TP Hà Nội đẩy mạnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo để đón “làn sóng” đầu tư.
Một góc Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). |
Dự kiến thu hút thêm 250 - 300 triệu USD vốn đầu tư
Theo ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, từ năm 2016, Ban đã chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 12/73 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Cùng với đó, Ban Quản lý đã được Bộ Công Thương ủy quyền cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với 12 mẫu xuất đi các nước, khu vực, vùng lãnh thổ có hiệp định song phương hoặc đa phương với Việt Nam, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhờ đó, 5 tháng đầu năm 2017, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút được 7 dự án đầu tư mới, với vốn đăng ký 13 triệu USD và 724 tỷ đồng; 6 dự án mở rộng, vốn đăng ký 14,1 triệu USD và 102 tỷ đồng. Như vậy, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 628 dự án, trong đó có 330 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có vốn đăng ký 5,34 tỷ USD; 298 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 12.911 tỷ đồng. Riêng trong tháng 5, Khu công nghiệp Phú Nghĩa thu hút 2 dự án đầu tư mới của Công ty Trần Hồng Quân và Công ty Dược phẩm Abipha, với tổng vốn đăng ký 574 tỷ đồng.
“Với mục tiêu trong năm 2017, các khu công nghiệp thu hút khoảng 15 - 20 dự án đăng ký mới, vốn đầu tư dự kiến đạt từ 250 đến 300 triệu USD, trong đó ưu tiên công nghiệp phụ trợ, điện tử, cơ khí chế tạo và sử dụng ít lao động..., Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang tập trung giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tạo mặt bằng sạch cho doanh nghiệp, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đăng ký đầu tư... đưa các khu công nghiệp Hà Nội là điểm đến của các tập đoàn lớn” - ông Phạm Khắc Tuấn cho biết.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước, TP Hà Nội đã và đang phát triển 19 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với tổng diện tích quy hoạch gần 5.250ha. Cùng với đó là 110 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 3.000ha. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, một trong những khó khăn hiện nay là quỹ đất trong khu công nghiệp không còn nhiều. Trên địa bàn thành phố chỉ có Khu công nghiệp Quang Minh (còn 13ha), Khu công nghiệp Phú Nghĩa 25ha, Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội khoảng 36ha có hạ tầng để thu hút đầu tư năm 2017.
Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc thu hút doanh nghiệp vào các cụm công nghiệp, nhất là cụm công nghiệp làng nghề rất khó khăn vì suất đầu tư cao, trong khi các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp khu vực này có quy mô nhỏ hoặc "siêu" nhỏ, vốn ít. Muốn thuê đất trong cụm công nghiệp, doanh nghiệp phải tự đầu tư hệ thống điện. Việc xây dựng hệ thống nước thải tập trung đang áp dụng nhiều cơ chế tài chính khác nhau, nên khó triển khai. Thêm vào đó, thủ tục đăng ký, lựa chọn đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn gặp nhiều vướng mắc, cản trở thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Để phát triển công nghiệp bền vững, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương thu hút đầu tư theo hướng tập trung phát triển các cụm công nghiệp; các khu công nghiệp mới thành lập phải đồng bộ hạ tầng, đặc biệt phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi chính thức đi vào hoạt động. Việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động, các dự án thân thiện môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh lớn; tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của thành phố.
Ông Phạm Khắc Tuấn cho biết, thành phố cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức quản lý; mục tiêu đến năm 2018 có 80% thủ tục hành chính tại Ban Quản lý được giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng ngay tại địa phương có đất phát triển khu công nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển bằng các chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…
Theo đề xuất của Sở Công Thương, giai đoạn đến năm 2020, toàn thành phố quy hoạch 119 cụm công nghiệp. Giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội cần đầu tư đồng bộ hạ tầng, phấn đấu thu hút đầu tư lấp đầy 119 cụm công nghiệp đã được thành lập giai đoạn 2016 - 2020; mở rộng 4 cụm công nghiệp đang xây dựng; thành lập mới 18 cụm công nghiệp. Sở cũng đề xuất, hỗ trợ, miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian đầu cho các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp; ngân sách thành phố hỗ trợ 100% cho đầu tư xử lý môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đối với chính sách huy động vốn, những khu công nghiệp, cụm công nghiệp được ưu tiên đầu tư trước có thể vay vốn ODA để thực hiện các hạng mục ngoài hàng rào; nhà đầu tư ứng vốn làm hạ tầng sẽ được dành một phần nguồn thu công nghiệp để hoàn vốn. Về chính sách đất đai, thành phố điều chỉnh khung giá chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho phù hợp với thực tế...
UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp. Cụ thể, Cụm công nghiệp Ninh Hiệp (Gia Lâm) có diện tích 63,6ha, phát triển một số ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng... Cụm công nghiệp Duyên Thái (Thường Tín) có diện tích 18,3ha, phát triển sản xuất dây cáp điện, bao bì, thép, sản phẩm cơ khí... Cụm công nghiệp Quất Động 2 (Thường Tín) có diện tích 43,46ha, phát triển may mặc xuất khẩu, da giày, chế biến nông sản, công nghệ cao, tin học... Cụm công nghiệp Thanh Oai (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) có diện tích 59,32ha, là cụm công nghiệp đa ngành nghề, phát triển công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.