(HNM) - Tại hội nghị của Ban Chỉ đạo Tổ chức bộ máy, biên chế thành phố Hà Nội diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, trước những thông tin chưa chính thức về việc đưa du thuyền hoạt động trở lại tại Hồ Tây, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo, khẳng định rõ quan điểm của Thành ủy là trước mắt không xem xét việc này.
Đồng chí nêu rõ: “Việc đưa du thuyền hoạt động trở lại chưa vội tính đến. Sau này, nếu có tính toán việc này thì phải xem xét rất kỹ đến mọi mặt, nhất là tuyệt đối bảo đảm lâu dài, bền vững môi trường nước, giữ gìn sinh thái trong hồ”.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ mười, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố diễn ra tháng 11-2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu phải quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp; khuyến khích nhà đầu tư, địa phương xây dựng các khu công viên cây xanh có hồ điều hòa; đồng thời phải sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông, xử lý ô nhiễm nguồn nước, làm “sống lại” những dòng sông: Tô Lịch, Tích, Nhuệ, Đáy...
Và ngay tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (ngày 19-4), đồng chí Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo huyện Đông Anh phải giữ bằng được hồ tự nhiên trên địa bàn, không mở rộng sân golf bằng cách lấn hồ. “Chúng ta không nên đánh đổi môi trường vì những lợi ích trước mắt, phải nghĩ lâu dài cho mai sau”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đây là những chỉ đạo thể hiện rõ tư duy phát triển bền vững; là sự cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân.
Những chỉ đạo trên đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển bền vững, thể hiện tập trung trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cách tư duy phát triển bền vững như vậy cũng chính là xu thế chung của thế giới; và hơn hết là đúng, trúng, hợp với lòng dân.
Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, quyết tâm xây dựng Hà Nội thực sự văn hiến, văn minh, hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, cần có tư duy phát triển bền vững.
Điều quan trọng là phải làm cho tư duy này lan tỏa sâu rộng trong cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở; thấm sâu từ nhận thức đến hành động, để mỗi khi nhìn nhận, giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra, cán bộ chủ chốt các cấp đều nhất quyết không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua nguyên tắc bảo vệ môi trường; đồng thời, phải chăm lo cho môi trường mọi lúc, mọi nơi, từ những việc nhỏ nhất. Muốn thế, các cấp, các ngành nhất định phải gắn tư duy phát triển bền vững với xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, quy trình công tác.
Ngay lúc này, các cấp, các ngành cần triển khai tốt Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 16-3-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.