Nông nghiệp

Phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội

Ngọc Quỳnh 15/12/2023 - 14:16

Ngày 15-12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) tổ chức đánh giá kết quả Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thực hiện chương trình phối hợp, thành phố Hà Nội đã triển khai ký kết với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước, qua đó xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020, tương đương tăng 21%), hoàn thành vượt chỉ tiêu theo chương trình phối hợp.

tham-quan-15-12-2-.jpg
Lãnh đạo Sở NN&PTNT và Bộ NN&PTNT tham quan gian hàng của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ tại hội nghị.

Riêng Hà Nội đã xây dựng và phát triển được 159 chuỗi, trong đó nhiều chuỗi được tổ chức khép kín từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường và xuất khẩu, như: Chuỗi rau an toàn Văn Đức, chuỗi thịt Hợp tác xã Hoàng Long, Vinh Anh, chuỗi trái cây bưởi Diễn Chương Mỹ, nhãn Đại Thành, gạo Bảo Minh...

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều chuỗi giá trị nông sản được triển khai có hiệu quả đã tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Trong năm 2023, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện lấy trên 2.000 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, trong đó, 98% mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức thanh tra, kiểm tra hơn 650 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, qua đó phát hiện 60 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền 185 triệu đồng.

xuc-tien-15-12.jpg
Khách tham quan và kết nối giao thương nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, trong khuôn khổ chương trình phối hợp, nhiều hoạt động kết nối giao thương như: Hội chợ, Festival, hội nghị, trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố được thực hiện hiệu quả. Nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn như: Tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; tỉnh Hải Dương cung cấp trên 30.000 tấn thủy sản; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Bình Thuận cung cấp trên 100.000 lít nước mắm...

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp đánh giá cao công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống.

Để công tác phối hợp phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản; đẩy mạnh công tác thông tin, phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội và ngược lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.