Cuối năm là thời điểm thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) sôi động nhất. Hiện tại, các chủ thể sản xuất hàng OCOP trên địa bàn Hà Nội đã và đang đẩy mạnh sản xuất, tích trữ hàng hóa cho dịp Tết.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm sút, các chủ thể OCOP cũng phải cân nhắc quy mô sản xuất, làm mới sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đa dạng mẫu mã, sản phẩm
Đến xã Cộng Hòa và xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) những ngày này, không khí sản xuất miến đã rất nhộn nhịp. Cánh đồng phơi miến rộng bạt ngàn, không còn một chỗ trống. Các gia đình làm nghề đều tăng sản xuất để chuẩn bị hàng Tết.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và xuất nhập khẩu Dương Kiên (xã Tân Hòa) Dương Đình Khôi chia sẻ, thời tiết thuận lợi, trời có nắng và gió hanh, nên miến phơi nhanh khô. Bình quân mỗi ngày, công ty sản xuất được khoảng 2,5 tấn miến khô phục vụ thị trường cuối năm.
Cũng theo ông Dương Đình Khôi, sản phẩm miến dong Dương Kiên của đơn vị đã được thành phố công nhận OCOP 4 sao, vừa tiêu thụ trong nước, vừa xuất khẩu.
“Dự kiến dịp Tết 2024, công ty sẽ cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 300 tấn miến. Ngoài ra, lượng hàng xuất khẩu vẫn giữ ổn định 2 tháng có 3 container xuất sang Nhật Bản…”, ông Dương Đình Khôi cho hay.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, trên địa bàn huyện có xã Tân Hòa và xã Cộng Hòa có nghề làm miến dong truyền thống. Trong đó, xã Cộng Hòa có 3 lò và xã Tân Hòa có 69 lò làm miến. Mỗi vụ Tết, 2 xã này cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn miến.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, toàn thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP đã được công nhận. Ngoài ra, trong năm 2023, thành phố đang đánh giá, công nhận thêm hơn 500 sản phẩm OCOP.
Trong số các sản phẩm OCOP của Thủ đô, chiếm số lượng đông đảo là nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ…, thích hợp để làm quà biếu hoặc gia đình dùng trong dịp Tết. Đó là các sản phẩm bánh chưng của làng nghề Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); thịt lợn sinh học Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ); giò chả Tân Ước (huyện Thanh Oai); gà đồi huyện Ba Vì; hoa đồng tiền Đồng Tháp (huyện Đan Phượng); hoa đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ)...
Nhiều sản phẩm đã tạo uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Vì vậy, cuối năm là thời điểm các chủ thể đẩy mạnh sản xuất, thay đổi về mẫu mã để làm hài lòng khách hàng.
Khắc phục những khó khăn
Năm 2023 tiếp tục là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh đối với các chủ thể OCOP. Theo ông Dương Đình Khôi, giá miến năm nay nhích hơn so với mọi năm, do bột dong nguyên liệu làm miến tăng hơn và chi phí vận chuyển cũng cao hơn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lại trầm hơn các năm trước. Nếu như mọi năm, làng nghề đã vào vụ Tết từ khoảng tháng Chín Âm lịch, thì năm nay, đến tháng Mười các hộ làm nghề mới đẩy mạnh sản xuất để tích trữ hàng.
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) Nguyễn Anh Chiến, công ty có 11 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, chủ yếu là các loại bánh truyền thống như bánh gạo lứt, bánh trứng dừa, bánh vừng vòng, bánh trứng vừng, bánh sampa... Công ty sản xuất và cung cấp bánh ra thị trường quanh năm, nhưng dịp Tết thường tiêu thụ nhiều nhất.
Cũng theo ông Chiến, sức mua năm nay giảm, đến thời điểm này, thị trường vẫn khá trầm lắng. “Chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng, hàng tiêu thụ đến đâu, sản xuất tới đó, không để tồn kho nhiều. Không chỉ tiêu thụ chậm, giá đường lại tăng nhanh. Nếu như cuối năm 2022, giá đường chỉ ở mức 17,8 nghìn đồng/kg, thì nay đã tăng lên 23 nghìn đồng/kg. Nguyên liệu tăng, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán, chấp nhận giảm lợi nhuận”, ông Chiến chia sẻ.
Hiện tại, Công ty TNHH Hoàng Chiến Thắng có hơn 10 lao động, mỗi ngày sản xuất từ 120 đến 150 thùng bánh. Công ty cũng đã nghiên cứu đổi mới mẫu mã, làm mới sản phẩm để thu hút khách hàng.
“Vẫn là các loại bánh truyền thống, nhưng chúng tôi đóng trong các hộp “tài”, “lộc” để phục vụ người dân đi lễ đầu năm... Với những đổi mới như vậy, chúng tôi hy vọng việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn...”, ông Nguyễn Anh Chiến cho hay.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để hỗ trợ các chủ thể, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thành phố tiếp tục tổ chức các sự kiện trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm để tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động cung ứng hàng hóa dịp Tết tại các siêu thị, điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra đối với các chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm, nhất là thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và giữ thương hiệu OCOP của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.