Chuyển đổi số

Phát thanh khai thác tối đa công nghệ để thích ứng trong kỷ nguyên số

Hà Phạm 16/03/2024 18:40

Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí.

pt4-1-.jpg
Lãnh đạo các cơ quan báo chí thảo luận tại phiên chủ đề “Phát thanh năng động trong môi trường số”.

Trong khuôn khổ diễn đàn Báo chí toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, chiều 16-3 diễn ra phiên thảo luận 8 với chủ đề: “Phát thanh năng động trong môi trường số”. Nhà báo, Tiến sĩ Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký biên tập (Đài Tiếng nói Việt Nam) điều phối chương trình.

Phát biểu đề dẫn, Tiến sĩ Đồng Mạnh Hùng cho hay, hiện nay, phát thanh đang đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Sự cạnh tranh này đến cả từ nội dung cho tới sự chia sẻ công chúng. Để phát thanh Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức trong kỷ nguyên số và thực hiện thành công chuyển đổi số, cần đề ra chiến lược phát triển thích ứng với kỷ nguyên số, dựa trên 3 trụ cột chính là nội dung số, trong đó yếu tố con người là trung tâm; truyền tải số và tương tác số.

Tại phiên thảo luận, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhấn mạnh, hiện nay, hầu hết nội dung của các cơ quan báo chí đã được đưa lên môi trường số. Báo in truyền thống cũng “di chuyển” sang phiên bản điện tử, nhằm tiếp cận đa dạng bạn đọc hơn. Công chúng có thể đọc báo qua điện thoại thông minh rất nhanh chóng, thuận tiện. Có thể nói, chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, không thể cưỡng lại đối với tất cả cơ quan báo chí.

Từ thực tế trên, nhà báo Phạm Mạnh Hùng đặt ra 5 vấn đề trọng tâm để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí. Thứ nhất, thay đổi được nhận thức của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, đặc biệt là cán bộ làm công tác quản lý báo chí.

Thứ hai, việc đào tạo đội ngũ phóng viên, biên tập viên giỏi nghiệp vụ, có kỹ năng sản xuất nội dung để phân phối trên môi trường số rất quan trọng.

Thứ ba, một phần rất quan trọng là công nghệ. Đây cũng là bài toán thách thức của không ít cơ quan báo chí khi thực hiện chuyển đổi số.

Thứ tư, thay đổi quy mô và quy trình quản trị, cách thức làm báo.

Vấn đề cuối cùng là các Đài phát thanh - truyền hình Việt Nam cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội phát triển trong kỷ nguyên số, để từ đó có những đổi thay phù hợp trong kỷ nguyên số.

pt-1-.jpg
Đông đảo các phóng viên, nhà báo, sinh viên báo chí đến tham dự buổi thảo luận.

Từ góc độ của Kênh VOV Giao thông Đài Tiếng nói Việt Nam trong “thời đại số”, nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOV Giao thông chia sẻ, công nghệ thay đổi đã tác động đến thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng, do đó VOV Giao thông buộc phải nhanh chóng thích ứng để tạo ra một chu kỳ thành công mới như bổ sung phương thức phân phối nội dung audio trên nền tảng số; đầu tư nghiên cứu đổi mới các format nội dung phù hợp với nền tảng phân phối mới; đầu tư tạo nguồn và đào tạo nhân lực phù hợp với phương thức sản xuất mới; đẩy mạnh ứng dụng AI trong quá trình sản xuất, phân loại và phân phối nội dung.

Dưới góc độ phát triển phát thanh - truyền hình địa phương, Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm chia sẻ, khi xu hướng số hóa phát triển mạnh, BPTV nói chung và phát thanh Bình Phước nói riêng đã chuyển đổi sang công nghệ số từ khâu thu thập thông tin đến khâu sản xuất chương trình, truyền âm, khống chế, lưu trữ âm thanh, truyền dẫn và phát sóng...

Chiến lược và giải pháp của BPTV là đổi mới về nội dung, hình thức thể hiện, phương thức sản xuất và khai thác tối đa công nghệ số như gia tăng các chương trình trực tiếp, livestream trên hạ tầng số, tăng thời lượng sản xuất vừa chính luận, vừa giải trí, có giao lưu khách mời, khán thính giả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin trong thời đại số, công dân số.

Bàn về giải pháp cho phát thanh trên nền tảng số tại các báo điện tử Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các sản phẩm âm thanh trên nền tảng báo, tạp chí điện tử cần sử dụng giọng đọc của phát thanh viên nhiều nhất có thể.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng tính tới việc tăng cường các sản phẩm âm thanh như podcast. Cuối cùng, quan trọng nhất, các báo, tạp chí điện tử và các nền tảng internet cần có quy hoạch trên chính giao diện của mình đối với các sản phẩm âm thanh. Có như vậy mới cạnh tranh sòng phẳng với sóng phát thanh nếu được đầu tư sản xuất tốt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát thanh khai thác tối đa công nghệ để thích ứng trong kỷ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.