Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phạt "nguội" phải "nóng"

Nguyễn Đức| 14/12/2013 05:29

(HNM) - Phạt


Theo các cơ quan chức năng, việc phạt nguội, với bằng chứng cụ thể, sẽ có tác dụng lớn, không chỉ khiến người tham gia giao thông phải luôn nâng cao ý thức, mà còn giúp giảm nhân lực tuần tra, kiểm soát và bớt… tiêu cực. Để phạt "nguội" có sức thuyết phục, khiến người vi phạm "tâm phục, khẩu phục", không thể thiếu hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã nói nhiều, chính thức có, không chính thức có, nhưng việc thực hiện phạt "nguội" thời gian qua vẫn khá… "nguội"!

Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) đã thành lập Tổ nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng phương tiện kỹ thuật để tiến hành phạt "nguội" tại chốt phía quận 2, đầu hầm vượt sông Sài Gòn. Dù còn không ít ý kiến này nọ, nhưng sau khi tận mắt chứng kiến sai phạm (qua hình ảnh), thậm chí xảy ra trước đó vài tháng trời, các chủ xe, lái xe đều vui vẻ chấp nhận ký biên bản, nộp phạt. Điều đó cho thấy, người tham gia giao thông luôn ý thức được sai phạm. Tuy nhiên, thực tế tổ chức phạt "nguội" tại TP Hồ Chí Minh đã nảy sinh một số vấn đề đáng bàn. Có trường hợp lái xe phản ánh, vi phạm xảy ra cách đó vài tháng, nhưng không nhận được giấy báo phạt? Có trường hợp đòi đưa "chứng cứ", tổ nghiệp vụ không phản ứng kịp, đành trả lại giấy tờ… Một chuyện đáng nói nữa là lúc xe vi phạm do một người điều khiển, lúc bị "bắt", xử lý lại là do người khác điều khiển. Với xe cá nhân thì mọi chuyện khá ổn, nhưng với cánh lái taxi, lái xe tải, xe khách có thể nay làm, mai nghỉ thì chuyện không hề đơn giản chút nào… Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh), từ đầu năm, cơ quan này đã gửi thông báo vi phạm Luật Giao thông đường bộ cho 29.910 tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đáng nói là trong số đó có hơn 4.200 trường hợp cơ quan chức năng đã gửi phiếu báo vi phạm tới 3 lần, thế nhưng vẫn chưa chịu nộp phạt. Đây là chuyện không ổn. Và có lẽ đó là lý do phải tổ chức "bắt" phạt "nguội"!?

Tại các nước phát triển, việc phạt "nguội" rất phổ biến và hiệu quả. Và việc phạt "nguội" sẽ chỉ thực sự hiệu quả khi người vi phạm nhận được giấy báo chủ động đi nộp phạt, thay vì phải tổ chức "bắt" giữa đường để phạt. Thêm vào đó, việc tổ chức lực lượng "bắt" phạt "nguội" mới chỉ xử lý được xe bốn bánh. Với mô tô, xe gắn máy không có biển số gắn phía trước, chắc chắn lực lượng chức năng "bó tay". Như vậy, rõ ràng có tình trạng kẻ "đánh", người tha dù đều là vi phạm.

Việc phạt "nguội" là cần thiết và nên thực hiện thật "nóng" ở mọi lúc, mọi nơi, với mọi loại phương tiện nhằm nâng cao nhận thức người tham gia giao thông, từ đó giảm vi phạm cũng như tai nạn. Với các trường hợp đã nhận giấy báo mà quá thời hạn không nộp sẽ tăng mức phạt. Để làm được điều đó, trước hết cần kiểm soát tốt việc mua bán, sang tên đổi chủ phương tiện cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng như công an, thuế vụ, kho bạc… Gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đã tăng lượng camera giám sát, điều tiết giao thông và đó là điều kiện thuận lợi để làm "nóng" việc phạt "nguội".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phạt "nguội" phải "nóng"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.