(HNM) - Tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong nội đô lên gấp hai lần so với hiện nay; cho phép tịch thu phương tiện với đối tượng đua xe trái phép; tạm giữ phương tiện 10 ngày với các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông (CSGT), đèn tín hiệu giao thông, chở quá số người quy định...
CSGT xử lý một trường hợp vi phạm trên phố Tràng Thi. Ảnh: Như Ý
Ùn tắc và tai nạn giao thông đã giảm
Hà Nội áp dụng mức phạt thí điểm với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ trong khu vực nội thành theo quy định của NĐ 34/CP kể từ ngày 20-5-2010. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, sau gần 2 năm triển khai thí điểm, tai nạn giao thông (TNGT) trong nội thành giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương), tình trạng ùn tắc giao thông cũng giảm đáng kể. Ý thức của người tham gia giao thông đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Các trường hợp vi phạm sau khi xử phạt đều chấp hành nghiêm. Việc nâng mức phạt tại các đô thị lớn đã có tác dụng răn đe, nhiều trường hợp không dám tái phạm.
Bên cạnh kết quả tích cực, UBND TP cũng chỉ rõ một số bất cập trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng có nguyên nhân từ khâu chế tài chưa đủ mạnh, thậm chí không khả thi. Cụ thể là một số lỗi vi phạm như vượt đèn tín hiệu giao thông, đi xe một bánh, không chấp hành sự chỉ huy, hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ nhưng do trong quy định của Luật Giao thông đường bộ không có hình thức tạm giữ phương tiện nên không ít đối tượng có biểu hiện thách thức pháp luật. Hay là quy định lệ phí sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) hiện thấp hơn nhiều lần mức phạt bị giữ GPLX khiến cho nhiều người vi phạm không nộp phạt và đi thi lấy GPLX mới. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, các Điều 8, 9, 24, 37, 38 trong NĐ 34/CP quy định mức xử phạt thấp, chưa tương xứng với lỗi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và TNGT, như không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm đối với xe liền kề phạt 100.000-200.000 đồng; chống người thi hành công vụ phạt cao nhất đến 4 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT phạt cao nhất 1,4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày. Ngoài ra, mức xử phạt vi phạm chung cho các hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa 20-30 triệu đồng gây khó khăn cho việc xử lý vì tính chất của các hành vi vi phạm khác nhau. Không thể đánh đồng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh nhà hàng với bán hàng rong...
Cần nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị
Thống kê của các ngành chức năng cho thấy, sau gần 2 năm triển khai NĐ 34/CP, các lực lượng công an TP đã kiểm tra, xử lý hơn 1,1 triệu trường hợp, phạt tiền gần 290 tỷ đồng, trong đó xử lý vi phạm trong khu vực nội thành là gần 862.000 trường hợp, chiếm 76% xử phạt toàn bộ TP với tổng số tiền phạt gần 150 tỷ đồng. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý khoảng 103.000 trường hợp, xử phạt hơn 51 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT-CA TP Hà Nội nhấn mạnh, Nhà nước không mong thu được nhiều tiền phạt, mà muốn người dân tuân thủ pháp luật. Một số quan điểm lo ngại có những trường hợp vi phạm không có đủ tiền nộp phạt là không hợp lý. Chỉ có nâng mức xử phạt thì mới tăng tính răn đe. Người dân nào nếu không chịu được mức tiền phạt thì cố gắng không vi phạm. Chánh Thanh tra Sở GTVT Nguyễn Hoàng Giáp kiến nghị, việc thí điểm xử phạt nặng trong khu vực nội đô đã phát huy hiệu quả nên cần xem xét mở rộng phạm vi áp dụng ra cả khu vực ngoại thành và có biện pháp tăng nặng mức xử phạt bổ sung. Bên cạnh đó đề nghị khôi phục quy định tạm giữ phương tiện như tại NĐ 146/2007/CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (NĐ này đã được thay thế bằng NĐ 34/CP). Thực tế cho thấy đây là hình thức xử phạt rất hiệu quả.
Tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT nhằm sơ kết 2 năm triển khai NĐ 34/CP vừa được tổ chức vào cuối tháng 4-2012, ông Trần Ngọc Thành (Vụ Vận tải - Bộ GTVT) nêu rõ, để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên vi phạm trật tự ATGT, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công an cũng đã có Thông tư 38/TT-BCA yêu cầu lực lượng CSGT khi kiểm tra, xử lý vi phạm có thông báo gửi đến các cơ quan, trường học về hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý, hồi âm. Tuy nhiên, các cơ quan, trường học hồi âm rất ít. Phòng CSGT-CATP Hà Nội cho biết, việc thực hiện Thông tư 38/TT-BCA đang bị lơ là. Trong năm 2011, Phòng CSGT đã gửi 55.000 thông báo vi phạm, nhưng số thông báo được hồi âm lại chỉ chiếm 3,8%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thông báo gửi đi nhiều nhưng hầu như không có hồi âm của cơ quan. Chính vì vậy đã đến lúc phải có biện pháp mạnh hơn, trong đó yêu cầu các cơ quan, cấp chính quyền, trường học sau khi nhận được thông báo phải có trách nhiệm xử lý, phản hồi, nếu không sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, trường học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.